Phiên tòa thế kỷ xét xử O. J. Simpson-Kỳ 1: Chủ nhật đẫm máu

Một vụ án, hai mạng người. Phiên tòa thế kỷ xét xử bị cáo O. J. Simpson đã làm rúng động dư luận Mỹ, biến Simpson trở thành một bị cáo hình sự nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ. Nổi tiếng đến mức chỉ cần nói O. J là người ta biết đó là ai. Người dẫn chương trình tiếng tăm Larry King còn nói trên kênh CNN rằng: “Nếu chúng tôi có lịch phỏng vấn với Chúa nhưng O.J rỗi thì chúng tôi sẽ thất hẹn với Chúa vậy”. Phiên tòa kéo dài 9 tháng, dài nhất trong lịch sử bang California, với án phí lên đến 20 triệu USD. Có tới 91% khán giả truyền hình theo dõi vụ xét xử và 142 triệu người nghe tuyên án qua đài và truyền hình. Thậm chí, có nghiên cứu còn cho rằng Mỹ mất hơn 25 tỷ USD vì công nhân lơ là công việc để theo dõi vụ án này.

 

Kỳ 1: Chủ nhật đẫm máu

 


Tối muộn ngày chủ nhật mù sương 12/6/1994, đôi vợ chồng Boztepe và vợ Bettina Rasmussen sống cạnh ngôi nhà số 875 ở Brentwood chợt nghe thấy tiếng chó sủa không dứt. Ngạc nhiên trước hành vi kỳ lạ của con chó, hai vợ chồng dẫn chú chó ra ngoài để giúp nó hạ hỏa. Con chó lôi họ tới ngôi nhà số 875 rồi dừng lại, nhìn chăm chăm vào lối đi mờ tối đầy bóng cây. Theo hướng nhìn của con chó, hai vợ chồng nhìn thấy hai xác người nằm sõng soài dưới bậc thềm.


 

Hiện trường vụ án.

Lúc 0 giờ 13 ngày 13/6, chiếc xe tuần tra chở hai nhân viên Robert Riske và Miguel Terrazas của Sở cảnh sát Los Angeles có mặt hiện trường. Thanh tra Riske thận trọng bước qua những vũng máu nhỏ trên lối đi lát gạch tới nơi xác người phụ nữ đang nằm úp. Nạn nhân mặc váy đen ngắn, vấy máu và có nhiều vết thương. Bên phải cô, cách đó một bụi cây là xác một người đàn ông cũng be bét máu, mặc áo sơ mi nâu nhạt, quần jeans xanh, đôi mắt vẫn mở to.


O. J. Simpson.

Sau khi xác định cả hai nạn nhân đều đã chết, Riske và Terrazas điện về trụ sở xin hỗ trợ. Vài phút sau, trung úy Martin Coon cùng hai nhân viên Edward McGowan và Richard Walker đến và phong tỏa hiện trường, điều khiển luồng giao thông vẫn còn đông dù đã khuya.


Thanh tra Riske và một cảnh sát tuần tra đã xác nhận rằng người phụ nữ là Nicole Brown Simpson, chủ ngôi nhà số 875 và là vợ cũ O.J. Simpson - cựu danh thủ bóng bầu dục và bình luận viên thể thao của kênh NBC.


Vào trong ngôi nhà, cảnh sát thấy hai con của nạn nhân, bé Sidney, 9 tuổi và Justin, 6 tuổi vẫn đang ngủ say. Họ đánh thức hai bé dậy, mặc quần áo cho chúng và đưa hai bé đến sở cảnh sát chờ nhận dạng người thân. Tại thời điểm này, người ta vẫn chưa biết danh tính nạn nhân nam.


Lúc 2 giờ 10 sáng, giám sát thám tử Ron Phillips và thám tử Mark Fuhrman đến kiểm tra hiện trường bằng mắt thường, không chạm vào xác chết và cũng không đến quá gần hiện trường trực tiếp.


4 giờ 25, sau khi hai thám tử Tom Lange và Phil Vannatter đến, họ được ông Phillips nói vắn tắt về vụ việc và dẫn họ đến hiện trường. Vì không được chạm vào xác chết nên hai thám tử không thể xác định chắc chắn nguyên nhân cái chết. Họ đứng cách xa xác chết khoảng 2 mét nhưng vẫn nhìn thấy một số đồ vật bên cạnh xác người đàn ông.


Nicole Brown Simpson.

Đó là một bộ chìa khóa, một mũ lưỡi trai xanh sẫm, máy nhắn tin, một phong bì trắng dính máu, một chiếc găng da cho bàn tay trái cũng dính máu. Những vật này nằm dưới bụi cây cách xác Nicole Brown vài cm. Ngoài ra, họ phát hiện ra các dấu chân dính máu từ chỗ xác chết đến sân sau khu nhà.


Các thám tử được lệnh liên lạc với O. J. Simpson để anh đến đón hai con. Là chồng cũ của Nicole nên O.J. Simpson ngay từ đầu đã bị coi là một nghi can. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không có bằng chứng nào chứng tỏ anh trực tiếp liên quan đến vụ án.


Các thám tử đến nhà của O. J Simpson trên đại lộ Rockingham. Bên ngoài ngôi nhà là chiếc Ford Bronco màu trắng. Họ cố gắng gọi chủ ngôi nhà nhưng không thành công. Trong khi chờ đợi, thám tử Fuhrman đi loanh quanh và tình cờ chiếu đèn pin lên chiếc Ford Bronco. Ông phát hiện ra một vết máu trên thân xe gần tay cầm cửa xe trước.


Lúc này, các thám tử đã tìm được số điện thoại của chủ nhà. Họ gọi liên tục bằng điện thoại di động nhưng không có ai nhấc máy. Họ quyết định vào bên trong ngôi nhà. Thám tử Fuhrman trèo lên bức đường đá và mở cổng từ bên trong. Họ tiếp tục gõ cửa, bấm chuông nhưng ngôi nhà vẫn im lặng.


Tuy nhiên, khi đi vòng quanh nhà đến một dãy ba căn nhà gỗ bên ngoài, họ gõ cửa ngôi nhà gỗ đầu tiên và có một người đàn ông ra mở cửa. Người này tự giới thiệu là Kato Kaelin, bạn của Simpson. Tại căn nhà gỗ thứ hai, họ gặp một cô gái trẻ là Arnelle Simpson, con gái Simpson. Cô đưa các thám tử vào nhà chính nhưng ngôi nhà trống không.


Thẩm vấn Kaelin, họ được biết anh này cùng Simpson đêm trước đã có mặt tại một nhà hàng McDonald ở Santo Monica. Sau đó, Kaelin vào nhà gỗ dành cho khách còn Simpson vào nhà chính. Lúc 22 giờ 45, Kaelin cho biết anh ta nghe thấy ba tiếng đập lớn từ nhà chính. Âm thanh và độ rung lớn đến mức Kaelin tưởng có động đất. Kaelin mang đèn pin ra ngoài kiểm tra thì thấy một chiếc xe đậu bên ngoài. Đó chính là chiếc xe Simpson đã thuê để ra sân bay Los Angeles, bắt chuyến bay muộn tới Chicago. Vài phút sau, Simpson đã chất hành lý lên xe và đi thẳng.


Trong khi đó, Arnelle liên lạc với trợ lý riêng của bố và biết được địa chỉ của bố đang ở là khách sạn O’Hare Plaza ở Chicago. Thám tử Phillips gọi điện cho Simpson, thông báo vợ cũ anh đã chết. Dù có vẻ đau buồn trước thông tin đó và lo ngại cho hai đứa con nhưng Simpson không hề hỏi han gì về cái chết của vợ cũ. Simpson chỉ thông báo sẽ bắt chuyến bay sớm về Los Angeles.


Thám tử Tom Lange quyết định thông báo cho gia đình Nicole trước khi tin về vụ giết người lên mặt báo. Anh tới nhà bố mẹ Nicole lúc 6 giờ 21 và nói chuyện với bố cô, ông Lou Brown. Khi anh thông báo với ông thì nghe thấy một thiết thét hãi hùng và khóc lóc của một người phụ nữ trong nhà: “O. J đã làm việc đó! O. J đã giết chị ấy! Con biết thế nào thằng cha đó cũng sẽ giết chị ấy”. Đó là giọng của Denise, em gái Nicole.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Điều tra

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN