Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ: Kỳ cuối: Ác mộng của Stern

Cục Lưu trữ Liên bang Đức (GFA) chính thức thông báo rằng, các tập nhật ký của Hitler là giả mạo trắng trợn, vô giá trị và không liên quan gì đến bàn tay của Adolf Hitler. Các thử nghiệm đã chứng minh, giấy, mực và hồ dán được sản xuất vào thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ II. Vì vậy, các tập nhật ký chắc chắn được tạo ra sau khi Hitler đã chết. Phân tích chữ viết cũng cho thấy các tập nhật ký là giả mạo.

Ban lãnh đạo của Stern không thể trốn khỏi sự thật đau đớn rằng họ đã bị lừa. Gần như ngay lập tức sau khi tin nhật ký giả được công bố, một số thành viên ban biên tập Stern đã từ chức hoặc bị sa thải, trong đó có Heidemann. Nhà sáng lập kiêm chủ biên của Stern là Henri Nannen đã nộp đơn kiện với cáo buộc lừa đảo chống lại Heidermann tại Hamburg, Đức, chỉ 3 ngày sau khi thông tin từ GFA được công bố.

Báo chí thế giới ngã ngửa với “quả lừa” của Konrad. Ảnh: Internet


Thời điểm đó, danh tính của Konrad Kujau vẫn chưa bị phát hiện, nhưng hắn biết, thời “vô danh” của mình sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong cuộc trả lời thẩm vấn của cảnh sát, Heidemann khai, anh ta đã có được tập nhật ký từ một người tên Konrad Fischer, một nhà sưu tập và buôn bán các di vật Đức quốc xã. Heidemann cho rằng bản thân Fischer cũng chỉ là nạn nhân và có thể người trao cho Konrad các tập nhật ký mới chính là kẻ chịu trách nhiệm cho vụ lừa đảo này.

Tuy vậy, cảnh sát lại tin rằng Konrad là kẻ đồng lõa trong vụ lừa thế kỷ và qua điều tra, họ xác định Konrad Fischer chỉ là một trong nhiều bút danh của Konrad Kujau. Một cuộc lục soát cửa hàng của Konrad được tiến hành. Mặc dù không tìm thấy bằng chứng nào liên quan đến vụ lừa đảo, nhưng điều đáng ngờ là Konrad và vợ đã biến mất.

Vào khoảng thời gian cửa hàng bị lục soát, Konrad và Edith đang ẩn náu ở Áo. Năm 1975, hắn đã gặp một phụ nữ trẻ là Maria Modritsch và bắt đầu cuộc tình kéo dài nhiều năm. Nhà của bố mẹ Maria ở Dornbirn, Áo là nơi hai vợ chồng Konrad tìm đến ẩn náu khi thông tin về tập nhật ký bùng nổ trong giới truyền thông.

Ở đó một thời gian ngắn, ngày 14/5/1983, Konrad quyết định bỏ lại vợ và người tình ở Dornbirn để tới vùng biên giới Đức. Hắn sắp xếp một cuộc đầu thú với cảnh sát. Mặc dù tự nguyện nộp mình cho nhà chức trách, Konrad không có ý định nhận tội. Hắn cho biết ra đầu thú chỉ đơn giản vì muốn được bảo vệ khỏi những cáo buộc “sai lầm” và khăng khăng mình không hay biết gì về vụ lừa đảo.

Trong cuộc thẩm vấn, Konrad khai hắn mua các tập nhật ký Hitler từ một người Đông Đức, rồi sau đó bán lại với giá gần 1 triệu mark cho Heidemann và tạp chí Stern. Câu chuyện này tất nhiên không thuyết phục được cảnh sát, họ biết Stern đã trả nhiều hơn thế. Thêm nữa, câu chuyện về người đàn ông Đông Đức nọ cũng không được kiểm chứng.

Tạp chí Time cũng từng kỳ vọng vào “nhật ký Hitler”. Ảnh: Internet


Ngày 26/5, Konrad cuối cùng đã phải thú nhận làm giả nhật ký Hitler. Đó là bước đột phá trong vụ án. Nhà chức trách hy vọng hắn sẽ cung cấp thêm thông tin về vai trò có thể của Heidemann, và họ không phải đợi lâu. Sau khi nhận tội, Konrad khai với cảnh sát rằng Heidemann đã biết về vụ lừa đảo. Đó là một lời vu khống khi Konrad muốn kéo Heidemann “chết” theo cho bõ tức khi biết rằng tay phóng viên chỉ cho mình một phần nhỏ trong tổng số tiền mà Stern đã bỏ ra để đổi lấy các tập nhật ký.

Ngày 21/8/1984, hàng trăm nhà báo đã có mặt tại Tòa án Dân sự Số 11 của Hamburg, để chứng kiến khai mạc phiên tòa xử Heidemann và Konrad. Hai gã đối mặt với án tù lên tới 9 năm. Tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất bị buộc tội. Edith Leiblang, vợ Konrad cũng bị truy tố tội đồng lõa và đối mặt án tù gần 5 năm.

Sau khi nghe lời khai của 37 nhân chứng, bồi thẩm đoàn xem xét các chứng cứ và đi đến kết luận cả ba bị cáo đều có tội đối với tất cả các cáo buộc. Ngày 8/7/1985, bồi thẩm đoàn tuyên án Konrad và Heidemann hơn 4 năm rưỡi tù giam và Edith 8 tháng tù treo.

Điều kỳ lạ trong suốt vụ xét xử là số tiền mất tích đã không được tòa làm rõ. Hơn 5 triệu mark được Stern chi ra cho các tập nhật ký đã biến mất. Một số người tin rằng, Konrad đã nhận nhiều hơn số tiền hắn khai. Số khác nghi ngờ Heidemann đã bỏ túi phần lớn số tiền. Vào thời điểm vụ gian lận đang được điều tra, nhà chức trách được biết Heidemann đã mua hai biệt thự ở Tây Ban Nha, hai xe ô tô thể thao hạng sang, đồ trang sức đắt tiền, các di vật thời Thế chiến 2 đắt tiền cho bộ sưu tập và những kỳ nghỉ tốn kém... Tổng số tiền hắn chi vào khoảng trên 1,5 triệu mark, trong khi lương tháng của phóng viên này chỉ có 5.400 mark.

Năm 1988, Konrad được trả tự do và ra khỏi nhà tù sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư dạ dày. Hắn tuyên bố đang nợ gần 160.000 bảng. Để kiếm tiền, Konrad tiếp tục sản xuất và bán các bức tranh nhái của các họa sĩ như Hitler, Klimt, Monet, Rembrandt và Dali, nhưng ghi rõ là không phải bản gốc để tránh rắc rối pháp lý. Konrad thành công với một số bức tranh chép như vậy, thậm chí có bức bán được tới 42.000 bảng.

Ngoài tranh, Konrad còn quyết định khởi nghiệp chính trị. Năm 1994, hắn ra tranh cử ghế thị trưởng thị trấn Löbau, Đức. Dù thất bại, hắn tiếp tục tranh cử vào năm 1996, nhưng lần này là ghế thị trưởng thành phố Stuttgart. Một lần nữa không được bầu, nhưng Konrad cũng giành được một số lượng lớn phiếu bầu.

Không thành công trên con đường chính trị, Konrad trở lại với nghề cũ, làm giả. Dù đã dày dạn kinh nghiệm, hắn vẫn rơi vào rắc rối. Năm 1999, một tòa án ở Stuttgart tuyên phạt Konrad án tù treo vì tội làm giả giấy phép lái xe và tội sở hữu súng. Đây là lần phạm tội cuối cùng trong sự nghiệp tội phạm kéo dài suốt cuộc đời hắn.

Ngày 12/9/2000, Konrad qua đời vì bệnh ung thư tại Stuttgart khi hắn 62 tuổi, và vĩnh viễn được biết đến như một kẻ đã lừa cả thế giới bằng cách tái tạo lại lịch sử với các tập nhật ký giả của Hitler. Vụ giả mạo của hắn cũng là một trong những vụ lừa đảo thành công và táo tợn nhất thế kỷ.

Bạch Đàn

Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ-Kỳ 4: Cơn địa chấn toàn cầu
Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ-Kỳ 4: Cơn địa chấn toàn cầu

Stern đã mắc thêm các sai lầm nghiêm trọng khác khi họ bưng bít các tập nhật ký và để “niềm tin bịt mắt mình”. Họ bỏ qua hầu hết tin đồn liên quan đến tính xác thực của các tập nhật ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN