Stern đã mắc thêm các sai lầm nghiêm trọng khác khi họ bưng bít các tập nhật ký và để “niềm tin bịt mắt mình”. Họ bỏ qua hầu hết tin đồn liên quan đến tính xác thực của các tập nhật ký. Hơn nữa, các nhà sử học, chuyên gia về chữ viết của Hitler cũng không được xem kỹ các tài liệu bí mật, mà lẽ ra họ có thể nhận ngay ra là đồ dởm ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi trên thực tế, các tập nhật ký này không giống cả về văn phong cũng như kiểu chữ của Hitler.
Các trang nhật ký đã lột tả một Hitler trái ngược với lịch sử. |
Khi Stern thuê các chuyên gia chữ viết để phân tích các trang nhật ký, họ đã phạm thêm một sai lầm ghê gớm khác. Hầu hết các mẫu được dùng để so sánh cũng đều là đồ giả của Konrad, không biết làm thế nào đã lọt vào Cục Lưu trữ Liên bang Đức ở Koblenz. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các mẫu này khớp với nhau. Nếu các tập nhật ký được so sánh với các mẫu chữ viết tay thật của Hitler, thì khác biệt sẽ được nhận thấy rõ ràng và các nhà báo chắc chắn đã lật tẩy được vụ lừa đảo.
Tuy nhiên, nguồn gốc thiếu trung thực của các tập nhật ký đã bị bỏ sót và nay thì bản quyền đối với 62 tập đã được Stern đem chào bán. Nhiều tờ báo và tạp chí ở châu Âu và Mỹ đã rất hào hứng với lời giới thiệu khi hiểu rằng, câu chuyện chắc chắn sẽ giúp tăng lượng phát hành của họ. Trong số những vị khách đấu thầu mua nội dung của các tập nhật ký có Newsweek (Mỹ), ParisMatch (Pháp), Times và Sunday Times của Anh.
Nhà sử học David Irving - người chỉ trích mạnh mẽ nhất về tính xác thực của cuốn nhật ký. |
Ngày 25/4/1983, thông tin về phát hiện các tập nhật ký của Hitler đã trở thành những dòng tít đậm trên trang bìa của tạp chí Stern. Những dòng tít tương tự đã nhanh chóng xuất hiện trên các báo và tạp chí trên khắp châu Âu và Mỹ. Thông tin này tạo ra một cơn địa chấn khắp thế giới và được coi như một trong những phát hiện lịch sử lớn nhất thế kỷ 20.
Nhiều người đã sốc khi được biết các tập nhật ký đã lột tả một Hitler khác biệt quá nhiều so với con người vẫn được biết đến. Một Hitler nhã nhặn, tử tế khác hẳn những mô tả lịch sử về hắn. Lời dẫn của Stern về các tập nhật ký cho biết, Hitler chỉ có vai trò rất nhỏ, nếu có, trong vụ nổi loạn năm 1938 chống người Do thái, được biết đến với cái tên “Đêm Kính vỡ” (Night of Broken Glass). Trong khi đó, những ghi chép lịch sử khẳng định, chính Hitler đã tổ chức và ra lệnh tiến hành cuộc tàn sát đẫm máu, cướp đi nhiều mạng sống vô tội này.
Lời dẫn cũng cho rằng, Hitler chỉ biết rất ít về những hành động hãi hùng diễn ra tại nhiều trại tập trung rải rác khắp châu Âu. Thay vào đó, các tập nhật ký toát lên rằng, Hitler theo quan điểm trục xuất người Do thái đến các nước khác thay vì thảm sát họ trong các trại tập trung. Hay nói cách khác, tập nhật ký khiến người ta tin rằng Hitler không phải là tên trùm đã ra lệnh tàn sát hàng triệu người, như những mô tả lịch sử và lời kể của các nạn nhân sống sót cũng như các nhân chứng khác.
Thật ngạc nhiên là nhiều sử gia và các chuyên gia đã quá hào hứng với “phát hiện mới” đến mức họ đã bỏ qua những mâu thuẫn quan trọng ngay trong tập nhật ký. Nhưng vẫn có những người không dễ dàng bị phỉnh phờ, họ từ chối chấp nhận hình ảnh mới của Hitler trong tập nhật ký.
Vì vậy, khi được công bố rộng rãi, tin tức về phát hiện và nội dung tập nhật ký đã gây ra nhiều sự hoài nghi và thiếu tin tưởng cũng ngang với lòng tin mà nó tạo ra với một bộ phận người liên quan.
Một số người theo quan điểm “không tin” đã xúc tiến nhiều biện pháp nhằm chứng minh tập nhật ký là giả mạo. Nhà sử học David Irving là người có tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất về tính xác thực của cuốn sách. Giống như nhiều người khác, ông duy trì quan điểm rằng, những chữ viết trong tập nhật ký (được in trên báo) không khớp với chữ của Hitler, nội dung không phù hợp với những mô tả lịch sử được biết đến. Ngôn ngữ được sử dụng cũng thiếu “dũng khí” kiểu Hitler và những chất liệu giấy mực mà tập nhật ký sử dụng cũng bị nghi là hiện đại hơn.
Các lãnh đạo của tạp chí Stern đã nổi giận trước những nghi ngờ về tính xác thực của tập nhật ký và kiên quyết bảo vệ quan điểm chúng là đồ thật. Quan điểm của họ càng được củng cố khi một trong các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về thời Đức quốc xã là Sir Hugh Trevor-Roper tuyên bố, không còn nghi ngờ gì nữa, tập nhật ký là thật.
Cuộc tranh luận đã khiến Cục Lưu trữ Liên bang Đức (GFA) phải mở một cuộc kiểm tra độc lập nhằm xác định tính xác thực của “nhật ký Hitler”. Các nhà khoa học đã tiến hành những xét nghiệm hóa học đối với một số tập nhật ký để xem chất liệu giấy, mực, hồ dán và bìa sách có phù hợp với thời điểm lịch sử hay không. Cuối cùng, vào ngày 6/5/1983, GFA tổ chức họp báo công bố các phát hiện.
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ cuối: Ác mộng của Stern