Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ

Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ- Kỳ 1: “Phát hiện” lớn

Tháng 4/1983, tạp chí Stern của Tây Đức đã đưa ra một thông báo gây sốc, làm dấy lên những cuộc tranh luận nóng bỏng khắp thế giới, đồng thời thách thức những quan điểm sử học liên quan đến tên Quốc trưởng tàn bạo nhất trong lịch sử Đức. Tờ tạp chí tuyên bố, 62 tập nhật ký viết tay bí mật của trùm Đức quốc xã Adolf Hitler đã được tìm thấy ở CHDC Đức (Đông Đức). “Nhật ký Hitler” khi đó được xem là một trong những phát hiện lịch sử quan trọng nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Tuy vậy, chỉ vài tuần sau, sự thật đã được phơi bày: đây hóa ra là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất thế kỷ 20.

 Kỳ 1: “Phát hiện” lớn

Theo Stern, những tập nhật ký “vô giá” được phát hiện vài năm trước đó bởi một người Đông Đức, vốn nắm được thông tin rằng những tài liệu bí mật của Hitler đang nằm trong tay những nông dân sống tại làng Boernersdorf. Chúng được tìm thấy từ một chiếc máy bay của Đức quốc xã bị rơi và bốc cháy vào tháng 4/1945. Những trang viết được cho là đã “thoát nạn” nhờ được đặt trong một hộp kim loại. Sau phát hiện này, các tập nhật ký được giữ ở một nơi bí mật, rồi cuối cùng được tuồn ra khỏi Đông Đức một cách bất hợp pháp và tiếp tục được giữ kín cho đến khi được công bố với thế giới.


Ảnh bìa cuốn nhật ký có chữ viết tắt AH được đăng trên trang nhất tạp chí Stern. Ảnh: Internet


Những mô tả lịch sử cũng ủng hộ cho câu chuyện kỳ lạ này. Trong một cuốn hồi ký, tư lệnh lực lượng không quân SS của Đức quốc xã, trung tướng Hans Baur cho biết, một chiếc máy bay do đại tá Friedrich A. Gundlfinger điều khiển đã bị bắn hạ sau khi cất cánh khỏi Béclin vào tháng 4/1945 khi đang chở các lưu trữ cá nhân của Hitler. Bằng chứng này đủ để một số người tin rằng cuốn nhật ký là hiện vật thật. Tuy vậy, Stern hiểu họ cần cung cấp thêm bằng chứng nhằm chứng minh tính xác thực của tài liệu, đặc biệt nếu muốn tung ra câu chuyện với các chủ báo khác để kiếm lợi nhuận khổng lồ.

Stern đã thuê một số chuyên gia xem xét tính chất xác thực của các tập nhật ký. Trong số các chuyên gia về chữ viết tay chịu trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của tài liệu có chuyên gia người Thụy Sĩ Max Frei-Sulzer và Ordway Hilton, người Mỹ. Họ được giao cho một số trang bản sao của cuốn nhật ký và được đề nghị so sánh chúng với những mẫu viết tay khác của Hitler, được lấy từ Cục lưu trữ liên bang Đức.

Dựa trên những mẫu được cung cấp, hai chuyên gia xác định các mẫu chữ viết này là thống nhất. Stern đánh giá cao báo cáo xác thực này và ngay lập tức xúc tiến bán bản quyền phát hành cho tờ Newsweek (Mỹ) và những khách hàng khác, dù họ chỉ muốn mua từng phần của cuốn nhật ký.


Cả thế giới xôn xao trước tin “động trời” về cuốn nhật ký mô tả một “Hitler khác”. Ảnh: Internet


Không có gì bất ngờ khi các chủ báo đều tỏ ra cực kỳ quan tâm tới thông tin trên. Cuốn nhật ký đã trực tiếp thách thức quan điểm phổ biến liên quan đến tính cách và hành động của Hitler. Trái ngược với các mô tả sử học trước đó, tài liệu này cho thấy Hitler là một nhà lãnh đạo tử tế và nếu có thì chỉ chịu phần trách nhiệm nhỏ trong những tội ác tày trời của quân đội phát xít Đức.

“Góc khuất” chưa từng được biết đến của Hitler đã gây sốc, thậm chí gây hoảng sợ với những ai đã từng biết hoặc trải nghiệm sự tàn bạo của tên độc tài phát xít. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều người đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của cuốn nhật ký bất chấp chúng đã được các chuyên gia kiểm chứng.

Tin về “nhật ký Hitler” đã dấy lên phản ứng mạnh mẽ khắp cộng đồng, và từng được mô tả là sự kiện “sử gia chống lại sử gia, chủ báo chống lại chủ báo, chuyên gia chống lại chuyên gia, và làm một nửa dân số thế giới không biết đâu mà lần” do những mô tả sử học xung đột với những gì toát lên từ các trang nhật ký.

Trong một nỗ lực nhằm đưa lịch sử “đi thẳng”, người ta đã quyết định tiến hành một cuộc kiểm tra khắt khe với sự tham gia của các nhà khoa học và học giả. Họ không mất nhiều thời gian để kết luận rằng, cuốn nhật ký được làm giả một cách tinh vi và không dính dáng gì đến bàn tay của Hitler.

Hơn nữa, trong quá trình phân tích chữ viết tay, các chuyên gia cũng phát hiện, những văn bản “gốc” dùng để so sánh với cuốn nhật ký cũng được làm giả từ cùng một người. Cuối cùng, cả thế giới cũng được biết danh tính kẻ chủ mưu vụ lừa đảo này. Đó là một tên tội phạm vặt, một kẻ sùng bái Hitler có tên Konrad Kujau. Nhờ cuốn nhật ký giả, hắn đã nổi danh như một trong những kẻ giả mạo khét tiếng nhất thế kỷ, lừa gạt được hàng triệu người với những mô tả “viết lại lịch sử” của mình.

Bạch Đàn

Đón đọc kỳ 2: Konrad Kujau
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN