Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ

Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ-Kỳ 2: Konrad Kujau

Ngày 27/6/1938, gia đình Kujau ở Löbau (Đức) đón cậu con trai đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ chào đời, Konrad Kujau. Cha của Konrad, một thợ đóng giày, là người ủng hộ tích cực cho Adolf Hitler.

Từ một tên trộm vặt, Konrad trở thành kẻ lừa đảo thế giới.

Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu của Konrad, ngoại trừ khi hắn lên 6 thì cha mất và gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Quá túng quẫn, mẹ của Konrad đã buộc phải gửi con trai và 4 con gái đến một trại tế bần, nơi bà tin rằng chúng sẽ được nuôi nấng tốt hơn.

Konrad là một cậu bé thông minh, sáng tạo và thường biểu hiện khả năng mỹ thuật vượt trội. Một trong những thú vui của cậu là vẽ phác họa quốc trưởng Đức khi đó là Adolf Hitler, cũng là một thần tượng và vị anh hùng trong lòng cậu. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, sở thích đặc biệt cộng với những tài khéo khác của Konrad đã đưa cậu trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhiều năm sau.

Một số thông tin cho rằng, Konrad đã bỏ học ở tuổi thiếu niên, nhưng bản thân hắn thường tuyên bố không chỉ hoàn thành trung học mà còn theo học tại Học viện Nghệ thuật Dresden cho đến năm 18 tuổi, rồi buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền.

Dự án lừa đảo tinh vi đầu tiên của Konrad, làm giả cuốn “Mein Kampf” của Hitler.


Sau khi rời trường, Konrad làm đủ nghề, từ thợ khóa, lau cửa sổ cho tới bồi bàn, nhưng không nghề nào được lâu. Tháng 6/1957, hắn chuyển từ Đông Đức tới vùng ngoại ô Stuttgart, và bắt đầu một cuộc đời tội phạm ở đây. Trong những năm sau đó, Konrad bị bắt vì nhiều tội vặt vãnh, từ trộm cắp cho đến cãi lộn nơi công cộng. Tuy vậy, năm 1963, hắn đã bắt đầu một giai đoạn mới trong “sự nghiệp” tội phạm của mình: Làm giả mạo.

Hành động giả mạo được biết đến đầu tiên của Konrad là khi hắn giả mạo các phiếu ăn trưa. Không lâu sau, hắn bị cảnh sát bắt quả tang tàng trữ nhiều phiếu ăn nhưng chỉ bị phạt tù ngắn hạn. Đó thực sự là một khởi đầu không thành công trong sự nghiệp tội phạm cuối cùng đã làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời Konrad.

Cùng năm đó, Konrad bắt đầu mối quan hệ với một nữ nhân viên pha rượu trẻ tên là Edith Lieblang. Họ kết hôn và cùng nhau lập một công ty dọn vệ sinh. Nghề mới không mang lại nhiều lợi nhuận, khiến vợ chồng Konrad chán nản với nguồn thu nhập “hẻo” này. Konrad quyết định sử dụng đến trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của mình để thay đổi vận mệnh. Trong những năm 1970, hắn bắt đầu thu thập những di vật từ thời Đức Quốc xã. Konrad nhận thấy một thị trường lớn những di vật liên quan đến “kỷ nguyên” đó và hắn quyết định kiếm lời. Trước đó từ lâu, Konrad đã được coi là một trong những nhà sưu tầm lớn nhất các di vật thời “Đế chế thứ ba” ở Tây Đức. Bộ sưu tập của hắn đã trở nên quá lớn và nhu cầu người mua quá cao, đến mức Konrad đã thuê một cửa hàng để bán.

Sau một thời gian bán hàng chân chính, Konrad nghĩ, hắn có thể tăng gấp đôi gấp ba lợi nhuận của mình bằng cách làm giả một số di vật với các chữ ký của các lãnh đạo Đức Quốc xã và làm cả giấy chứng nhận giả đi kèm. Tất nhiên, làm giả chữ ký của Adolf Hitler sẽ mang lại nguồn lợi lớn hơn và Konrad quyết định thử sức. Các đồ giả mạo của hắn đã mang lại thành công tức khắc.

Các di vật thời Đức Quốc xã mà Konrad bán gồm đủ loại, từ mũ sắt, quân phục, cờ, huy chương cho đến các lá thư và tài liệu giả mạo của cựu quan chức SS. Trong số những vật đã được bán, nổi tiếng nhất là những bức tranh được Konrad “dán mác” của Hitler. Hắn đã kiếm bộn tiền từ các tác phẩm nghệ thuật giả mạo. Thật ngạc nhiên là khách hàng thường mua mà chẳng tìm hiểu gì về tính xác thực của chúng, đó là một trong những lý do chính khiến trò giả mạo của Konrad trở nên thành công như vậy.

Để cho các di vật giả của mình trở nên hấp dẫn hơn, Konrad thường sáng tạo ra những câu chuyện xung quanh chúng. Hắn có đủ hiểu biết về các di vật và lịch sử để thêu dệt nên những câu chuyện tưởng tượng đầy thuyết phục. Konrad nhận ra rằng, khách hàng thường bị thu hút vào câu chuyện xung quanh một hiện vật, hơn là chính vật đó. Vì vậy, Konrad trở thành một người bán hàng đặc biệt, có thể lôi cuốn cảm xúc của khách hàng, và tất nhiên là cả tiền bạc của họ!

Tới cuối thập niên 1970, Konrad quyết định tiến hành một dự án tinh vi hơn - làm giả cuốn “Mein Kampf” (Cuộc tranh đấu của tôi), một cuốn sách Hitler viết về thời kỳ bị cầm tù vào những năm 1920. Hắn đã chế ra bản viết tay hai tập của cuốn sách này và lời tựa cho tập thứ ba, hoàn toàn bịa đặt nhờ một trí tưởng tượng quá phong phú. Konrad còn bổ sung một số trang cá nhân khác vào cuốn sách giả mạo của hắn. Hắn đã viết tay hai tập sách của Hitler mặc dù các chuyên gia nghiên cứu về Hitler đều biết rõ, hai tập bản gốc đều được đánh máy!

Sau khi hoàn tất bản gốc giả mạo cuốn “Mein Kampf”, Konrad tiếp tục sản xuất thêm nhiều tài liệu giả của Hitler. Trong số này có cả những bài thơ do Konrad nghĩ ra và nhanh chóng được bán hết sạch cho những khách hàng giàu có và những người sùng bái Hitler.

Tiếp đó, Konrad bắt tay vào dự án táo tợn nhất. Hắn đánh bạo tạo ra một loạt bản viết tay ấn tượng hơn dưới dạng nhật ký, mô tả những trải nghiệm riêng tư nhất của Hitler. Konrad vô cùng ngạc nhiên khi cuốn nhật ký Hitler tưởng tượng của hắn đã trở thành nguồn cảm hứng cho những khách hàng cao cấp nhất.

Không mất nhiều thời gian để những bí ẩn xung quanh cuốn nhật ký tự có một đời sống riêng của chúng.

Bạch Đàn

Đón đọc kỳ 3: Thần tượng Hitler

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN