Tự do đã được trả lại cho ông Iwao sau hơn nửa thế kỷ gia đình ông đi tìm công lý khi một toà án Nhật Bản ra phán quyết bằng chứng then chốt được đưa ra trong bản án giết người của ông Iwao – số quần áo dính máu giấu trong thùng tương đậu nành lên men - là dàn dựng.
Do tuổi cao sức yếu, ông Iwao đã không có mặt tại phiên toà tuyên bố mình vô tội. Nhưng bên ngoài toà án Quận Shizuoka (đảo Honshu, Nhật Bản), người chị 91 tuổi của ông, bà Hideko, nghẹn ngào cúi đầu cảm ơn vì sự ủng hộ của công chúng đã giúp gia đình ông thắng kiện.
Theo phán quyết ngày 26/9, Thẩm phán Kunii Tsuneishi ra kết luận: "Các điều tra viên đã cố tình đổmáu lên những bộ quần áo đó, rồi giấu chúng trong một thùng tương đậu nành. Tòa án không thể chấp nhận sự thật vết máu vẫn còn nguyên màu đỏ sẫm nếu nó đã được ngâm trong chiếc thùng suốt hơn một năm. Các vết máu đã được xử lý và giấu trong thùng bởi các cơ quan điều tra sau một thời gian dài kể từ vụ việc. Ông Hakamata không thể bị coi là hung thủ”.
Không chỉ có vậy, phán quyết còn chỉ trích đội ngũ điều tra lúc bấy giờ đã thực hiện các cuộc thẩm vấn vô nhân đạo nhằm ép ông Iwao phải nhận tội.
“Hồ sơ của bên công tố đã được thu thập bằng cách xâm phạm quyền im lặng của bị cáo trong những trường hợp có khả năng dẫn đến lời thú tội sai sự thật”, phán quyết nêu rõ.
Bằng chứng mong manh
Từng là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, ông Iwao đã giã từ sự nghiệp thi đấu vào năm 1961, khi đó mới chỉ 25 tuổi và vào làm công nhân trong một nhà máy chế biến đậu nành ở tỉnh Shizuoka.
Tháng 6/1966, ông chủ của Iwao, cùng vợ và hai đứa con bị sát hại tại nhà riêng. Gia đình họ bị cướp và ngôi nhà bị thiêu rụi. Lúc này, nam công nhân Iwao vừa ly hôn và còn nhận một công việc làm thêm tại một quán rượu đêm đã trở thành nghi phạm chính trong vụ án vì có cuộc sống phức tạp.
Vào thời điểm đó, nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin sai sự thật rằng chiếc áo dính máu được tìm thấy tại hiện trường vụ án là của Iwao. Cảnh sát đã thả Iwao vì thiếu bằng chứng và tiếp tục điều tra trong một tháng.
Sau khi đi vào ngõ cụt, các cảnh sát lại quay lại để thẩm vấn Iwao và các thành viên gia đình ông. Một thành viên trong đội luật sư bào chữa của ông Iwao, luật sư Kiyomi Tsunogae cáo buộc cảnh sát tuyệt vọng trong quá trình điều tra và muốn nhanh tìm kiếm một nghi phạm cũng như đổ tội cho Iwao. Ngày 18/8/1966, ông Iwao bị bắt và giam giữ
Các thành viên gia đình của Iwao cũng bị đưa đến đồn cảnh sát và bị thẩm vấn riêng từ sáng đến tối. Tuy nhiên, ông Iwao bị giam giữ biệt lập tại đồn và không được thả. Sau nhiều ngày thẩm vấn liên tục, ông Iwao nhận tội.
Ông Iwao đã bị thẩm vấn mà không được gặp luật sư bào chữa và bị tra khảo trong 23 ngày, mỗi ngày lên đến 16 giờ đồng hồ.
Ngày 11/9/1968, Iwao được đưa ra xét xử tại tòa án quận Shizuoka. Cũng tại toà án này, ông Iwao đã rút lại lời nhận tội, nói rằng mình đã bị cảnh sát đánh đập, đe doạ và ép buộc khai nhận.
Cảnh sát kết luận Iwao mặc đồ ngủ khi thực hiện hành vi giết người. Tuy nhiên, bộ đồ ngủ dính đầy máu phát hiện tại hiện trường không phải của Iwao. Kỳ lạ là 14 tháng sau khi tội ác xảy ra và 9 tháng sau khi phiên tòa bắt đầu, 5 món đồ quần áo khác dính đầy máu đã được "phát hiện" một cách bí ẩn trong một thùng đậu tương lên men tại nhà máy.
Bên công tố đã thay đổi lập luận của mình và tuyên bố Iwao đã mặc những bộ đồ này khi giết hại gia đình ông chủ và sau đó đã thay đồ ngủ. Tuy nhiên, vết máu quá sẫm khiến chúng không thể được coi là bị vất trong thùng đậu tương suốt 14 tháng. Quần áo cũng quá nhỏ so với kích cỡ của Iwao. Bên công tố giải thích rằng do ngâm lâu trong thùng tương, quần áo bị co lại và nhãn mác ghi size “B” trên quần áo bằng với kích cỡ trung bình tương đương của ông Iwao. Luật sư bào chữa sau này cho rằng chữ B trên mác áo ám chỉ màu đen của áo chứ không phải kích cỡ.
Bên công tố đã nộp 45 tài liệu có chữ ký của Iwao thú nhận tội ác của mình, nhưng tòa án chỉ chấp nhận một tài liệu. Tuy nhiên, Iwao vẫn bị kết án tử hình.
Vào thời điểm đó, một hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán đã đưa ra phán quyết ông Iwao phạm tội với số phiếu 2-1. Kumamoto Norimichi là một trong ba thẩm phán lúc bấy giờ. Trong phiên tòa, ông không tin rằng có đủ bằng chứng để kết tội Iwao về tội giết người.
'Nhìn vào bằng chứng, hầu như không có gì chứng minh ông ấy là hung thủ ngoài lời nhận tội. Tuy nhiên, lời thú tội đó lại được đưa ra sau khi bị cáo bị thẩm vấn trong thời gian dài”, thẩm phán Kumamoto chia sẻ.
Kumamoto đã nói điều này với hai thẩm phán khác, nhưng họ không đồng ý. 'Tôi không thể thuyết phục hai thẩm phán kia rằng Iwao vô tội, nên cuối cùng chúng tôi vẫn phải tuyên án anh ta có tội. Tôi không thể chịu đựng được sự dày vò lương tâm nên sáu tháng sau, tôi đã xin từ chức”, thẩm phán Kumamoto nói.
Sau khi nhận được bản án có thể bị hành quyết bất kỳ lúc nào, Iwao cùng gia đình đã nhiều lần kháng án. Vụ án được đưa ra xét xử lại ở các cấp và lên tới tận Tòa án Tối cao Nhật Bản. Năm 1980, Tòa án Tối cao Nhật Bản xem xét và xét xử lại vụ án, nhưng phán quyết y án.
Năm 2014, một tòa án cấp quận ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đồng ý xem xét lại và xét xử lại vụ án. Tòa này đi đến phán quyết là Iwao vô tội do mẫu ADN tìm thấy trên các mẫu quần áo được cho là bằng chứng khiến Iwao nhận án tử không khớp với ADN của ông và các nạn nhân. Điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của bản án và dấy lên khả năng các công tố viên đã ngụy tạo bằng chứng. Ông Iwao được toà tuyên bố trả tự do ngay lập tức. Tuy nhiên, tòa án cấp cao nhất của Tokyo đã bác bỏ phán quyết này.
Năm 2018, tòa án cao cấp nhất của Thủ đô Tokyo đã đưa ra quyết định đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Nhật Bản và đồng ý cho Iwao được tự do do lý do tuổi tác và sức khoẻ cho tới khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Nhật Bản. Mặc dù Iwao không phải ngồi tù nhưng về mặt hồ sơ phạm pháp, ông vẫn có tên trong danh sách tử tù.
Bất cập trong hệ thống điều tra
Sau khi bị kết án có tội và nhận án tử, Iwao đã phải ngồi tù trong 46 năm. Dẫn lời ông Ogawa - luật sư bào chữa cho tử từ Iwao, đài truyền hình CNN đưa tin ông Iwao đã bị bạo hành và bị tra khảo hơn 16 tiếng mỗi ngày trong 23 ngày liên tiếp mà không có sự hiện diện của luật sư bào chữa.
"Hệ thống tư pháp Nhật Bản, đặc biệt là vào thời điểm đó, là một hệ thống cho phép các cơ quan điều tra lợi dụng để phạm tội bất hợp pháp”, luật sư Ogawa cho biết
Chiara Sangiorgio, Cố vấn về án tử hình tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trường hợp của ông Iwao là "ví dụ điển hình cho một hệ thống tư pháp hình sự có quá nhiều vấn đề của Nhật Bản”.
Ông Sangiorgio cho biết các tử tù ở Nhật Bản thường bị giam giữ biệt lập và hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các vụ hành quyết được "thực hiện trong bí mật" với rất ít hoặc không có thông báo trước. Kể từ năm 2000, Nhật Bản đã hành quyết 93 tù nhân, những người chỉ được thông báo về việc treo cổ của họ trước đó vài giờ hoặc thậm chí vài phút. Gia đình và luật sư thường chỉ được thông báo sau khi vụ hành quyết diễn ra. Vụ hành quyết cuối cùng ở Nhật Bản được thực hiện vào ngày 26/7/2022.
"Iwao Hakamada đã dành mỗi ngày trong 46 năm để nghĩ rằng đó có thể là ngày cuối cùng của mình. Ông ấy đã trải qua một thử thách không thể tưởng tượng nổi, với hơn 30 năm bị giam giữ biệt lập và bị giám sát liên tục", Saul Lehrfreund, đồng giám đốc điều hành của Dự án Hình phạt Tử hình, một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ đại diện pháp lý miễn phí cho những người đang chờ thi hành án tử hình trên khắp thế giới, cho biết. Trong 46 năm bị giam cầm, ông Iwao mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần sau khi sống trong mối lo sợ bị hành quyết mỗi ngày.
The ông Lehrfreund, vụ án của Hakamada mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì số năm kỷ lục mà một người đàn ông vô tội phải ngồi tù, mà còn vì một số đặc điểm của vụ án nên "gây ra hồi chuông báo động ở Nhật Bản".
"Đây là vụ án mà một người bị ép phải thú tội và bằng chứng đã bị dàn dựng. Trên thực tế, nhiều điểm trong vụ án này vẫn tồn tại trong hệ thống tư pháp hình sự của Nhật Bản ngày nay và vụ án của Iwao không phải là một trường hợp cá biệt ", ông Lehrfreund cho hay.
Theo một thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, việc xét xử lại rất hiếm khi xảy ra tại quốc gia Mặt trời Mọc này. Việc tòa án xét xử lại nhiều lần có hai mặt của nó. Một mặt, nó cho thấy hệ thống tư pháp ở Nhật Bản có bất cập. Mặt khác, để đàm bảo thực thi công lý thật sự và xét xử thật sự đúng người, đúng tội thì việc xét xử lại của các toà án lại rất cần thiết.