Trong những năm trước khi thực hiện vụ đánh bom ở Boston, Tamerlan Tsarnaev chịu ảnh hưởng lớn của một người bạn mới, một người cải sang đạo Hồi và đã đưa hắn đi theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Gia đình Tamerlan chỉ biết người bạn này tên là Misha.
Hình ảnh hai anh em Tamerlan tại cuộc thi maratông ở Boston. |
Dưới sự “dạy bảo” của Misha, Tamerlan từ bỏ quyền Anh, chấm dứt học nhạc dù rất yêu nhạc. Hắn bắt đầu phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan và Irắc và chăm chăm tìm các trang web và tài liệu nói rằng Cục tình báo trung ương Mỹ đứng đằng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Ông bác của Tamerlan, Ruslan Tsarni, nhớ lại cuộc nói chuyện giữa ông với bố của Tamerlan về Misha: “Có vẻ như người này đã chiếm mất não của Tamerlan”. Ông Tsarni kể rằng mẹ của Tamerlan đã cho Misha vào nhà để thuyết pháp cho Tamerlan tại bàn ăn và Misha tuyên bố anh ta có thể nói chuyện với quỷ dữ và có thể trừ tà.
Quả bom phát nổ gần vạch đích. |
Trong khi đó, Elmirza Khozhugov, người từng là em rể của Tamerlan và Dzhokhar, kể lại: Có một lần Misha đến nhà Tamerlan ở ngoại ô Boston trong lúc anh này có mặt ở đó. Misha ngồi trong bếp nói chuyện với Tamerlan hàng tiếng đồng hồ. Misha giải thích với Tamerlan đạo Hồi là gì, đạo Hồi tốt, xấu ra sao và kết luận đó là tôn giáo tốt nhất. Họ nói chuyện cho đến khi bố của Tamerlan, ông Anzor, đi làm về và nói một cách lịch sự: “Muộn rồi nhỉ, cứ như là nửa đêm rồi. Tại sao Misha ở đây muộn thế và giờ này vẫn còn ở trong nhà mình?”. Tamerlan tập trung vào cuộc nói chuyện đến mức không nghe thấy lời bố nói. Mẹ Tamerlan trấn an chồng và nói: “Đừng ngắt lời chúng. Chúng đang nói chuyện về tôn giáo và những điều tốt. Misha đang dạy Tamerlan trở nên tốt và dễ chịu”.
Về sau, Tamerlan và bố luôn cãi vã về quan điểm tôn giáo mới của hắn. Mỗi khi Misha bắt đầu nói, Tamerlan sẽ ngừng nói và lắng nghe. Bố Tamerlan rất thất vọng vì Tamerlan không nghe ông nhiều như thế. Ông lo lắng đến mức đã gọi bác của Tamerlan để nói chuyện về ảnh hưởng của Misha với Tamerlan.
Ông Ruslan Tsarni nói với báo chí về Tamerlan. |
Khozhugov chỉ nhớ Misha là một người hói đầu, râu hung hung đỏ. Anh không biết Tamerlan gặp người này ở đâu nhưng cho rằng hai người cùng đi nhà thờ với nhau. Tamerlan không biết nhiều về đạo Hồi ngoài những gì đọc trên mạng hoặc nghe từ Misha.
Ngoài ra, Khozhugov còn nhấn mạnh một điều rằng, Tamerlan rất quan trọng và có uy với các em trai, em gái. Chúng luôn luôn nghe theo anh trai, luôn mồm bảo “Anh Tamerlan nói thế này. Anh Tamerlan nói thế kia”. Dzhokhar đặc biệt yêu quý Tamerlan và sẽ làm bất kỳ điều gì anh trai nói.
Mối quan hệ của Tamerlan với Misha có thể là một manh mối để hiểu động cơ đằng sau vụ tấn công Boston. Tamerlan giờ đã chết. Còn Dzhokhar đã bị kết tội sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và có thể bị tử hình nếu bị kết án.
Ngoài mối quan hệ bí ẩn với Misha, "con sói đơn độc" trong Tamerlan còn được nuôi dưỡng bởi các trang web thánh chiến Hồi giáo và các trang tuyên truyền cực đoan. Hắn đọc tạp chí Inspire - một ấn phẩm trực tuyến bằng tiếng Anh của chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Yêmen.
Trong khi bị điều tra viên thẩm vấn, chính Dzhokhar cũng thừa nhận anh em chúng bị ảnh hưởng bởi tạp chí Inspire. Cho đến nay, bằng chứng cho thấy anh em Tsarnaev dường như học cách chế tạo bom trên Internet chứ không phải là một trại huấn luyện khủng bố nào. Quả bom của chúng được chế ra từ những vật dụng hàng ngày không đắt tiền, không gây chú ý khi mua: nồi áp suất, đinh, ổ bi, pháo hoa và điều khiển đồ chơi từ xa. Chúng chọn một sự kiện ngoài trời để đánh bom vì không phải qua các khâu kiểm tra an ninh, thiết bị phát hiện kim loại…
Ông Philip Mudd, cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ, cho biết, vụ đánh bom ở Boston không có gì đáng ngạc nhiên với những người như ông, chuyên rà soát các tin tức tình báo về khủng bố. Điều mà ông ngạc nhiên là anh em nhà Tsarnaev lại không hề tỏ ra tinh vi khi thực hiện vụ đánh bom, thậm chí chúng không buồn giấu mặt hoặc cải trang. Ông nói: "Chúng là những đứa trẻ con giận dữ có tư tưởng hời hợt".
Tiến sĩ Ronald Schouten, nhà tâm lý học nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố của trường Đại học Havard, cho rằng Tamerlan có thể là chân dung điển hình của một người dễ sa ngã vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan: giấc mơ thành võ sĩ quyền Anh Olympic không thành, học hành bỏ dở, làm thất vọng gia đình.
Đối với Tamerlan, có lẽ không bao giờ người Mỹ biết được chính xác cái gì đã biến hắn thành kẻ khủng bố. Điều này có thể sẽ mãi bị chôn vùi cùng cái chết của Tamerlan. Để rồi, cứ sau một vụ đánh bom hay một âm mưu khủng bố, người Mỹ lại đau đáu một câu hỏi lặp đi lặp lại: Điều gì đã biến một người thành kẻ khủng bố?
Thùy Dương