“Con sói đơn độc” giữa hai thế giới

Ở Mỹ, hắn là một võ sĩ quyền Anh hạng nặng, thích đi giày da bóng lộn và mặc áo sơ mi trắng là lượt đến phòng tập. Ở Dagestan (Nga), hắn là một thanh niên trẻ trầm tính, dành cả ngày ngồi trước máy vi tính nghiền ngẫm đạo Hồi, nuôi dưỡng lòng hận thù những kẻ dị giáo. Hắn là Tamerlan Tsarnaev, nghi phạm đã chết và là kẻ chủ mưu trong vụ đánh bom giải chạy maratông ở Boston (Mỹ) ngày 15/4/2013. Người ta xếp hắn vào danh mục “những con sói đơn độc”, tức là những kẻ khủng bố tự thân, không chịu mệnh lệnh của bất kỳ nhóm khủng bố nào.

 

Kỳ 1: Giấc mơ Mỹ bất thành


Tamerlan Tsarnaev là một võ sĩ quyền Anh nghiệp dư ngày đêm theo đuổi giấc mơ vô địch nước Mỹ. Hắn thể hiện tuyệt vời trên võ đài. Hắn được đồng nghiệp, huấn luyện viên khen ngợi hết lời: “Một võ sĩ làm người khác sửng sốt”. “Quyết liệt, nhanh và nhẹ nhàng. Cứ như thể đang xem Michael Jordan chơi trên sân bóng rổ vậy. Không ai đủ giỏi để tập luyện với anh ta”.


 

Tamerlan khi còn bé. Ảnh chụp với bố mẹ và một ông bác (phải).

 

Lúc đó, Tamerlan mơ trở thành nhà vô địch Olympic. Hắn nói với một phóng viên ảnh của tạp chí Đại học Boston năm 2010 rằng, hắn muốn thi đấu với tư cách là một công dân Mỹ.


Với tố chất của một võ sĩ nhà nghề, Tamerlan được các chuyên gia quyền Anh nhận định rằng tên tuổi của hắn có thể trở nên nổi bật. Ông Bruce Desmond thuộc Ban Giám đốc Câu lạc bộ quyền Anh Somerville ở ngoại ô Boston, người biết tới tiếng tăm của Tamerlan, nhận định: Anh ta đã sẵn sàng và rất nghiêm túc với giấc mơ thành nhà vô địch.


 

Tamerlan trên võ đài quyền Anh.

Thế nhưng, cuộc sống không như ý muốn. Giấc mơ Mỹ chưa bao giờ đến với Tamerlan Tsarnaev. Sự nghiệp quyền Anh của hắn không giúp hắn thành công. Hắn lọt được vào cuộc thi quyền Anh quốc gia Găng tay Vàng ở thành phố Salt Lake, Utah (Mỹ) năm 2009 nhưng thua một trận và cuối cùng bị loại. Hắn cũng chẳng thành công trong chuyện học hành. Thậm chí, hắn còn bị cảnh sát giam giữ do bị bạn gái tố cáo có hành vi bạo lực. Hắn cũng không bao giờ được trở thành công dân Mỹ.


Về sau, Tamerlan kết hôn với Katherine Russell, người Mỹ, sinh viên trường Đại học Suffolk, xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Rhode Island. Katherine đã cải sang đạo Hồi và bỏ dở trường đại học. Họ có một cô con gái lên 3. Tamerlan chẳng có nghề nghiệp gì ổn định và phải ở nhà trông con, ăn bám vợ.


Một bà hàng xóm tên là Mary Siberman kể rằng bà thường nghe thấy tiếng cãi vã ầm ĩ vào ban đêm từ nhà của Tamerlan, phần lớn là giọng Katherine quát mắng chồng. Bà Siberman cũng hay bị tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng khóc to của đứa bé và tự hỏi tại sao mẹ nó không dỗ dành gì. Phòng ngủ của vợ chồng Tamerlan không có rèm che tử tế, chỉ là hai miếng vải chắp vá treo cẩu thả để ngăn ánh sáng. Túi ni lông chất đầy hai bên cửa sổ để chắn gió lạnh. Bà Siberman cho biết gia đình Tamerlan làm bà cảm thấy không thoải mái và bà luôn ngồi theo hướng để cửa sổ nhà hàng xóm không lọt vào mắt mình.


 

Katherine Russel, vợ của Tamerlan (phải).

Tamerlan và em trai Dzhokhar sinh ra trong một gia đình người Chechnya thiểu số ở nước cộng hòa Dagestan. Hai anh em chuyển đến bang Massachusetts khi bố mẹ di cư sang Mỹ tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng giấc mơ Mỹ với họ mãi chỉ là giấc mơ.


Người bố, ông Anzor Tsarnaev, làm thợ máy ở Massachusetts. Người mẹ, bà Zubeidat Tsarnayeva, ngày càng có xu hướng quan tâm tới tôn giáo. Sau khi chia tay, ông bố quay về Dagestan còn bà mẹ ở lại Mỹ đến tháng 6/2012 rồi bị cảnh sát bắt và kết tội ăn cắp quần áo trị giá 1.600 USD tại một cửa hàng quần áo.

Hai anh em nhà Tsarnaev cùng học trường trung học Cambridge Rindge và Latin. Cuộc sống của Dzhokhar dường như thành công hơn anh trai. Bạn bè miêu tả hắn là một người thân thiện, dễ kết bạn, vui tính nên họ rất sốc khi biết hắn cùng anh trai thực hiện vụ đánh bom Boston.


Trong những năm gần đây, Tamerlan trở nên quan tâm đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Trên trang YouTube của hắn có một đoạn video về Feiz Mohammad, một giáo sĩ cực đoan sống ở Ôxtrâylia và từng là một võ sĩ quyền Anh. Trong đoạn video, giáo sĩ này nói về việc đưa trẻ con đi làm người bảo vệ đạo Hồi, về thánh chiến Hồi giáo...


Từ năm 2008, Tamerlan trở thành một người Hồi giáo sùng đạo, ngừng uống rượu và hút thuốc. Hắn thường xuyên cầu nguyện tại một nhà thờ thuộc Hội Hồi giáo Boston gần nhà ở phố Prospect, Cambridge. Nhà thờ này bị tổ chức Người Mỹ vì hòa bình và bao dung (Americans for Peace and Tolerance) miêu tả là dạy tư tưởng Hồi giáo khuyến khích thù hận phương Tây, không tin tưởng vào thực thi pháp luật và phản đối giá trị xã hội, cách ăn mặc cũng như chính phủ phương Tây.


Ngoài thời gian dành cho đạo Hồi, Tamerlan tập quyền Anh ở phòng tập Wai Kru. Nhưng dường như hắn không bao giờ tìm được chỗ của mình ở cả hai thế giới Hồi giáo và quyền Anh.


Mối quan tâm của Tamerlan với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nghị sĩ Mỹ sau khi hắn chết. Người ta vẫn chưa biết liệu mối quan tâm này có đóng vai trò đáng kể trong vụ đánh bom. Ông Aaron Zelin thuộc Viện chính sách Cận Đông ở Oasinhtơn nhận định: “Chúng ta nhìn thấy dấu hiệu quá khích. Hắn dường như cảm thông với quan điểm cực đoan Hồi giáo. Nhưng chúng ta chỉ có vài mẩu thông tin. Khó nói rằng hắn đánh bom vì tư tưởng này hay có động cơ nào khác”.ư


Tuy nhiên, sự xuất hiện của một nhân vật bí ẩn tên là Misha trong cuộc đời Tamerlan có thể để lộ ra vài tia sáng cho các nhà điều tra.



Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Đường đến khủng bố

Gián điệp Mỹ  'săn' tin về anh em khủng bố Boston
Gián điệp Mỹ 'săn' tin về anh em khủng bố Boston

Cảnh sát Nga tình nghi ‘gián điệp đại sứ quán’ Mỹ Ryan Fogle có âm mưu mua thông tin về 2 hung thủ vụ đánh bom Boston, vốn được sinh ra tại Caucasus, Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN