Trong những năm đầu thế kỷ 20, khu vực Detroit, bang Michigan, Mỹ trở thành địa bàn hoạt động của băng Tía (Purple gang), một băng nhóm tội phạm nổi tiếng kiêu ngạo và tàn ác. Tại đây, ngoài các hoạt động được xem là “chuyên môn” của các băng nhóm tội phạm như đâm thuê, chém mướn, băng Tía còn thường xuyên tổ chức các vụ cướp rượu của bọn buôn lậu từ Canađa sang và bảo kê các quán rượu – hoạt động mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho chúng.
Sông Detroit, ngăn cách giữa tỉnh Ontario của Canađa và Mỹ, là một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, với những chuyến tàu chở quặng sắt từ vùng thượng bang Michigan (Mỹ) đến các nhà máy sản xuất ô tô ở Canađa, các sà lan chở gỗ từ phía bắc bang Michigan và Winconsin (Mỹ) đến Windsor (Canađa).
Các thành viên của băng Tía che mặt trước ống kính máy ảnh. |
Trong suốt thời gian bang Michigan thực thi Luật cấm buôn bán rượu lậu, những tay lái buôn đã sử dụng dòng sông này làm tuyến đường vận chuyển rượu lậu từ Canađa vào Mỹ. Từ Detroit, rượu được chuyển đi Chicago, St. Louis và các điểm phía tây.
Muốn vận chuyển rượu qua sông Detroit, cánh lái buôn phải vũ trang đến tận răng. Bởi trong những năm 1920, Detroit là địa bàn hoạt động của băng Tía, một tổ chức tập hợp những tên giết người, côn đồ hung hãn và khát máu giống như các tổ chức găngxtơ ở New York hay Chicago.
Băng Tía cai quản các khu vực vui chơi ở Detroit suốt từ những năm 1920 đến đầu những năm 1930 cho đến tận khi bị những tay anh chị thuộc tổ chức nghiệp đoàn đến từ phía đông thôn tính. Lúc này số lượng thành viên của băng Tía đã bị giảm đi 1/10, do những cuộc thanh toán nội bộ và bị sa lưới pháp luật.
Khi Luật cấm buôn bán rượu lậu được ban hành, giới buôn lậu rượu ở Detroit có lợi thế hơn những “đồng nghiệp” ở các bang khác ở chỗ Detroit giáp Canađa, nguồn cung cấp rượu khổng lồ. Sau lệnh cấm này, các tiệc rượu ở Detroit không hề kém sôi động hơn, thậm chí còn tưng bừng hơn. Bất kỳ người nào có một chiếc thuyền đều có thể đến được Canađa và thành phố Toledo, cách Detroit chưa đầy 100 km về phía nam bằng cách vượt sông Detroit. Nơi đây sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của những công dân Detroit khát rượu. Và nghề buôn rượu lậu cũng phất lên từ đó.
Dòng sông Detroit dài 50 km, có những chỗ rộng gần 2 km với hàng nghìn hang động và nơi ẩn náu nằm dọc bờ sông và trên các hòn đảo. Đây là một thiên đường của những tay buôn lậu. Cùng với hồ St. Clair và sông St. Clair, những tuyến đường thủy này vận chuyển tới 75% lượng rượu cung cấp cho nước Mỹ trong suốt thời gian lệnh cấm buôn rượu lậu có hiệu lực.
Rượu lậu được đưa từ thuyền lên ô tô. |
Rượu được kéo bên dưới các con thuyền, những tuyến đường ngầm cũ được xây sửa lại, các nhà thuyền bị đắm là nơi đặt các hệ thống cáp ngầm dùng cho việc vận chuyển rượu, và thậm chí một đường ống đã được lắp đặt. Đoạn giữa đảo Peche và cuối con phố Alter, một sợi dây cáp điều khiển bằng điện dùng để kéo những thùng rượu làm bằng thép với công suất chứa mỗi thùng lên đến gần 200 lít. Một đoạn đường ống đã được xây dựng giữa một nhà máy sản xuất rượu ở Windsor và nhà máy đóng chai ở Detroit.
Không chỉ sử dụng đường sông, cánh lái buôn còn liều lĩnh vận chuyển rượu lậu trên cả đường bộ. “Những ván sàn trong những chiếc ô tô, thùng nhiên liệu, những khoang bí mật, thậm chí những chiếc giỏ mua hàng và những chiếc va li cũng đều được thiết kế hai đáy, chưa kể đến những chiếc bình và phích đựng nước nóng được ngụy trang, tất cả đều được sử dụng vào việc vận chuyển rượu lậu trên đường cao tốc Dixie nối giữa Detroit và biên giới bang Ohio”, Jenny Nolan từng viết như vậy trên tờ Tin tức Detroit. “Nó giống như một buổi biểu diễn của những diễn viên tài năng và liều lĩnh nhằm mục đích kiếm lời bất chính”, Jenny viết.
Đến năm 1919, Luật cấm buôn rượu lậu được tuyên bố không còn hiệu lực. Giao thông giữa Michigan và Ohio trở lại bình thường và chỉ trong một thời gian ngắn tình thế đã bị đảo ngược khi bang Ohio tuyên bố cấm sản xuất và buôn bán rượu.
Canađa thay thế Ohio để trở thành địa điểm du lịch ưa thích của người dân Detroit. Mặc dù chính quyền tỉnh Ontario của Canađa đã cấm bán lẻ rượu, nhưng chính quyền liên bang đã đồng ý và cấp giấy phép hoạt động cho các nhà máy bia rượu. Chỉ tính riêng ở Ontario năm 1920 có đến 45 nhà sản xuất, phân phối, và xuất khẩu rượu.
Buôn lậu rượu là ngành kinh doanh lớn thứ hai ở Detroit với doanh thu vào khoảng 215 triệu USD năm 1929, đứng ngay sau ngành sản xuất ô tô. Theo tờ Detroit, trong thời gian lệnh cấm rượu có hiệu lực, lĩnh vực kinh doanh rượu đã thu hút số lượng nhân công vào khoảng 50.000 người ở khu vực Detroit. Có đến 25.000 địa điểm buôn bán rượu lậu ở Detroit. Giới chức thực sự bất lực trước tình trạng trên. Từ câu lạc bộ sức khỏe ở thành phố St. Clair Shores đến khu vực trung tâm của Little Harry, Câu lạc bộ Green Lantern, các công dân của Detroit đã giúp cho giới buôn lậu thu được những khoản lợi nhuận kếch sù.
Với nhu cầu về rượu lớn như vậy, chẳng bao lâu sau các băng nhóm có tổ chức dần thay thế những người buôn bán rượu không chuyên. Các băng Licavolis, Bommaritos, Lucidos và Zerillis cai quản khu vực phía đông, trong khi đó băng Tallman nắm quyền điều hành khu vực phía tây. Nắm quyền cai quản khu vực thành phố là băng Tía.
Thế lực của băng Tía lớn mạnh đến mức ông trùm maphia Capone, dù đang trong thời kỳ đỉnh cao, cũng phải chừa lại khu vực phía đông Michigan. Capone rất thèm muốn Detroit bởi đây là thành phố có số lượng lớn người lao động cũng đồng thời là những con ma men, nhưng hắn cũng đủ khôn ngoan để đưa ra quyết định mua rượu từ băng Tía thay vì đối đầu với băng đảng này.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Những kẻ thống trị thế giới ngầm