Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động đến tiêu thụ nông lâm thủy sản khi Việt Nam tham gia hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số hiệp định hương mại tự do”.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Phòng Hội nhập và Đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, với TPP, bên cạnh việc xóa bỏ về cơ bản hàng rào thuế nhập khẩu đối với nông lâm thủy sản, các biện pháp SPS (kiểm dịch động thực vật) đã tạo thuận lợi hơn cho thương mại.
Biện pháp SPS chỉ áp dụng ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối xử. TPP chấp nhận công nhận tương đương, công nhận các vùng không dịch bệnh, minh bạch hóa, cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thuận lợi quy trình kiểm tra, tham vấn kỹ thuật và tăng cường giữa các bên. Đây sẽ là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp.
Hàng hóa từ vùng miễn dịch hoặc gần như miễn dịch đã được công nhận sẽ không cần thêm bất kỳ giấy chứng nhận nào về tiêu chuẩn chất lượng. Rào cản về cản trở thương mại được xóa bỏ khi TPP cho phép chứng nhận và tự chứng nhận điện tử.
Đây là điểm rất hay mà các cơ quan nhà nước phải tính đến đó là chức năng nhiệm vụ và sự phân chia trong xã hội sẽ như thế nào từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thùy Linh, với TPP, tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tự chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước Chính phủ 12 nước TPP về tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu của họ.
Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ không bao giờ doanh nghiệp đó có cơ hội quay trở lại thị trường đó một lần nữa. Bởi vì họ xây dựng niềm tin nhưng không phải niềm tin giữa các chính phủ mà niềm tin giữa các doanh nghiệp. Và đây là cuộc chơi điều chỉnh mọi ứng xử của doanh nghiệp, nên phải nâng cao trách nhiệm, hiểu biết của chính doanh nghiệp.
Về quy tắc xuất xứ trong TPP, Bà Nguyễn Thùy Linh cho rằng, trước đây quy tắc xuất xứ chỉ tính đến hàng hóa, dòng luân chuyển của hàng hóa như thế nào. Nhưng với TPP xuất xứ hàng hóa liên quan tới biên giới lãnh thổ, quyền lợi quốc gia nên đã được tính đến và lồng ghép trong tất cả các yếu tố.
Về tình hình thương mại nông sản Việt Nam – ASEAN, ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Việt Nam có thặng dư thương mại. Nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào AEC, đứng đầu là gạo, tiếp đến là thủy sản, cao su, cà phê, rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, điều…
Mặt hàng gạo Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế phát triển trong khu vực. Việt Nam hiện chiếm lĩnh 77% thị trường gạo tại Philippines , ở Malaysia, gạo Việt Nam cũng chiếm lĩnh 30%. Malaysia cũng là thành viên TPP, tuy nhiên lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng này mất 11 năm.
Đối với cà phê, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị phần lớn tại các thị trường lớn của ASEAN như Philippines (67%); Thái Lan (73%). Hạt tiêu Việt Nam cũng xuất khẩu chủ yếu sang Singapore, chiếm thị phần 45% tại nước này. Với mặt hàng cao su, Malaysia sẽ xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, do phải đảm bảo nguồn gốc xuất sứ để hưởng ưu đãi thuế từ TPP nên Malaysia sẽ cần nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam .
Theo ông Đặng Kim Khôi, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu khi phần lớn sản phẩm này được nhập từ các nước Đông Nam Á (chiếm trên 49% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Bởi chủ yếu gỗ từ các nước trong khu vực ASEAN là gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được công nhận gỗ hợp pháp. Điều này sẽ khiến gỗ thành phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi gặp khó khăn. Cơ hội mở ra khi Việt Nam nhập khẩu gỗ của Malaysia và cũng tận dụng được ưu đãi của TPP.
Ông Đặng Kim Khôi cho rằng cần nâng cao hiểu biết, nhận thức về hội nhập, tác động của nó đến nông nghiệp; tập trung vào nhà quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, doanh nghiệp, hợp tác và cả người sản xuất trung bình và nhỏ. Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của các nước trong TPP, AEC các FTA, cũng như chống hàng nhập khẩu kém chất lượng của cả trong và ngoài khối.
Thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư TPP với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước TPP để tìm kiếm các cơ hội hợp tác tận dụng các cơ hội của Hiệp định mang lại. Từng bước hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu của các nông sản Việt Nam có thế mạnh.
"Nhà nước cần rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương, đánh giá mức độ ưu tiên và có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất có thể đối phó, hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại khi phải cạnh tranh với các nông sản từ các nước TPP. Các gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo ổn định tâm lý người dân cũng cần được tính đến", ông Đặng Kim Khôi cho hay.
Bà Nguyễn Thùy Linh cho rằng, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi năng lực cạnh tranh thấp. Để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, có tăng trưởng cần phải đẩy mạnh và nhanh tái cơ cấu.
Hội nhập kinh tế sẽ tác động trực tiếp tới việc hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người dân, trong đó tác động trực tiếp và lớn nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường hàng hóa trong nước cho các nước. Các doanh nghiệp có ưu điểm vượt trội sẽ ngày càng mạnh hơn.