Tận dụng cơ hội từ TPP để chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.HCM

Với TPP vừa ký kết, GDP Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 và kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng gấp đôi so với hiện nay, vào năm 2020 sẽ đạt 50 tỷ USD.

Ảnh minh họa - Trần Việt/TTXVN

Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cho biết, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký kết, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 (dự báo của giáo sư Peter A.Petri - Đại học Brandeis - Hoa Kỳ) và kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng gấp đôi so với hiện nay, vào năm 2020 sẽ đạt 50 tỷ USD.

Năm 2016 được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và sự gia tăng mạnh về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không nhỏ cho TP Hồ Chí Minh tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng, thu hút đầu tư mới và tăng trưởng toàn diện, nhất là những ngành như điện tử, nông nghiệp, sinh học, dược phẩm, dệt may thời trang, tài chính, ngân hàng...

Nhằm đảm bảo nguồn thu của thành phố ổn định và tăng trưởng cao trong tương lai, ông Thái Tuấn Chí cho rằng, TP Hồ Chí Minh sẽ được biết đến nhiều hơn và GDP sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi đặt văn phòng tại hành chính chi nhánh tại đây. Đưa ra một dẫn chứng, ông Thái Tuấn Chí cho hay, cụ thể hóa việc văn phòng WTO sau khi được đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) và Vienna (Áo) thì địa phương tại nước đó đã khẳng định được vị thế cũng như sức mạnh toàn diện của mình với bạn bè quốc tế.

Với lợi thế là đối tác chiến lược với Hoa Kỳ và Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dệt may thứ 2 trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có nền kinh tế ổn định, trong đó TP Hồ Chí Minh lại là đầu tàu kinh tế của cả nước. Do vậy, nếu mở được văn phòng tại đây thì chắc chắn các hội nghị và triển lãm sẽ ưu tiên cho thành phố. Ngoài ra, thành phố sẽ thu hút nhiều hơn nữa các tổ chức phi Chính phủ quốc tế, các Tập đoàn và thương hiệu lớn đến xin “visa” đặt trụ sở giao dịch. Và, một điều nữa cũng hết sức quan trọng là sẽ biến thành phố thành tâm điểm thu hút đầu tư về công nghệ cao từ các Tập đoàn lớn của nước ngoài với đội ngũ chuyên gia hùng hậu và chuyên nghiệp.

Đó là những tác nhân tạo lực đẩy đưa nền kinh tế TP Hồ Chí Minh thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nếu nhìn xa hơn, sự dịch chuyển cơ cấu của thành phố còn giúp GDP của cả nước tăng trưởng mạnh và là đầu nhà điểm đến của các nước ngoài và các nước trong nội khối TPP.

Tuy nhiên, hiện nay đa phần doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu là qui mô nhỏ, máy móc lạc hậu và trình độ quản lý yếu. Điểm khó khăn hơn nữa là khi gia nhập TPP đòi hỏi phải đầu tư bài bản, trình độ hiện đại nhưng lại vướng về vốn đầu tư máy móc mới và khảo sát những thị trường mới trong khu vực nội khối. Một vấn đề cũng đang khiến doanh nghiệp không khỏi đau đầu là hạ tầng. Hiện nay, chi phí thuê mặt bằng tại thành phố đắt gấp rưỡi so với các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Long An đã tạo ra rào cản không nhỏ dẫn đến chi phí doanh nghiệp cao.

Theo ông Thái Tuấn Chí, TP Hồ Chí Minh lại đang lãng phí chất xám vào việc tập trung rất nhiều các nhà khoa học, chuyên gia có tiếng tại các Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, Sở khoa học… trong khi sản phảm mà họ tạo ra lại không ăn nhập với thực tế mà chỉ nằm lại trên giấy. Mặt khác, với hơn 37 trường đại học công lập, 6 học viện và dự kiến Hoa Kỳ sẽ mở trường đào tạo nhân lực cho thành phố nhưng đến nay vẫn thiếu vô cùng chất xám dành cho ngành công nghiệp phụ trợ và ngành công nghệ cao.

Xuất phát từ những lý do này, ông Thái Tuấn Chí đề xuất với Hội đồng nhân dân thành phố nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển khoa học công nghệ để từ đó có chính sách cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư mới máy móc thiết bị, công nghệ cao từ các Tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp trong nước. Cùng đó, thành phố nên kết nối Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, các trường Đại học, Viện nghiên cứu kinh tế Thành phố và các chuyên gia quốc tế bằng việc lập Viện nghiên cứu phát triển và đào tạo.

Thông qua sự kết hợp này sẽ cho ra đời những nghiên cứu sát thực về hướng phát triển của từng ngành trên thế giới mà Thành phố định hướng phát triển. Ngoài ra, đây còn là cơ sở để tạo ra các sản phẩm ứng dụng tiên phong đi đầu tạo giá trị gia tăng; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những ngành mũi nhọn của thành phố cũng như tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường TPP về thuế suất, luật chơi, hàng rào kỹ thuật,… tại từng quốc gia. Song song đó, hỗ trợ chi phí doanh nghiệp để xúc tiến vào các thị trường này, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ là những thị trường lớn trên thế giới và Hoa Kỳ là quốc gia sẽ giảm 50% thuế suất ngay trong năm đầu tiên TPP có hiệu lực.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu vì hiện nay doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng thiếu các vệ tinh cung cấp sản phẩm cho chuỗi giá trị. Làm được những việc này, khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, Thành phố sẽ có nhiều sản phẩm chủ lực để xuất khẩu vào TPP, từ đó góp phần đảm bảo nguồn thu ổn định và bền vững.

Cùng theo ông Thái Tuấn Chí, TPP là cơ hội lớn cho ngành dệt may TP Hồ Chí Minh gia nhập vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Để tận dụng tốt nhất cơ hội từ TPP đưa TP Hồ Chí Minh trở thành “Trung tâm thời trang vùng Viễn Đông”, Hội đồng nhân dân thành phố cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong nước đầu tư vào ngành Công nghiệp thời trang có giá trị gia tăng, với các chính sách cụ thể như hỗ trợ lãi suất ngân hàng với các sản phẩm công nghiệp (Vải, sợi, hóa chất).

Mặt khác, thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghiệp thời trang, xây dựng Trung tâm trưng bày vải sợi, sản phẩm công nghiệp và tổ chức hội nghị quốc tế liên quan về thời trang, hội chợ về nguồn cung ứng sản phẩm giá trị cao tại Thành phố. Qua các sự kiện này, các ngành dịch vụ có liên quan cũng sẽ phát triển theo, góp phần thúc đẩy GDP tăng trưởng, thương hiệu của Thành phố sẽ được gia tăng đáng kể và sẽ giữ vai trò “con Sếu đầu đàn”, vừa phát triển theo đúng thế mạnh, vừa kéo các tỉnh thành khác cùng phát triển.

Đồng tình với báo cáo kế hoạch 2016 của UBND TP Hồ Chí Minh về nhiều giải pháp mới, trong đó chú trọng đến giải pháp lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển, với nhiều giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là sự đổi mới về môi trường thu hút đầu tư trong giai đoạn hội nhập mới. Tuy nhiên, theo ông Thái Tuấn Chí, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, tiềm lực để phát triển.

Cùng với đó, công nghiệp thành phố tuy có tăng trưởng chủ yếu là từ giá trị sản xuất nhưng giá trị gia tăng chưa tương xứng. Khoa học công nghệ đã được lãnh đạo Thành phố định hướng là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước và khu vực, nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo được sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh cao. Nguồn thu Thành phố vẫn dựa vào dầu thô, từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Trong thời gian tới, những nguồn thu chính hiện nay sẽ bị giảm do cắt giảm thuế quan, cảng và sân bay sẽ bị di dời.

Uyên Hương (TTXVN)
Việt Nam lập kỷ lục về Hiệp định thương mại tự do
Việt Nam lập kỷ lục về Hiệp định thương mại tự do

Trong năm 2015 vừa qua, Việt Nam đã lập được kỷ lục: là quốc gia trong 1 năm đã ký kết được nhiều thoả thuận nhất về Hiệp định thương mại tự do với cả các đối tác phương Đông và phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN