Sự tiếp nối quan điểm nhất quán của Đảng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Báo (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), quan điểm của Tổng Bí thư về phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền là sự tiếp nối quan điểm nhất quán của Đảng từ khi thành lập nước đến nay; đặc biệt, từ năm 1994 đến nay, khi Đảng lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Nhà nước pháp quyền" và chính thức đưa vào văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng về xây dựng "Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân". Theo đó, muốn mô hình Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa, không chệch hướng thì quá trình lập pháp phải tuân thủ tính Đảng.
Tính Đảng thể hiện trong xây dựng nhà nước pháp quyền là tạo ra một nhà nước dựa trên thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống nhà nước cũng như mọi hành vi ứng xử công dân, đặc biệt kể cả vai trò lãnh đạo của Đảng không đứng trên pháp luật.
"Đảm bảo tính Đảng là quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền phải hướng tới nền dân chủ bảo đảm quyền lợi trước hết và trên hết, cuối cùng là lợi ích của người dân. Đồng thời, đảm bảo cho Việt Nam vận hành, quản lý nhà nước trên cơ sở pháp luật để mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện đúng đường hướng chỉ đạo của Đảng ta là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền phục vụ phát triển bền vững đất nước", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Báo phân tích.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Báo, tính Đảng nêu trong bài viết của Tổng Bí thư còn là một giải pháp bảo đảm cho chúng ta xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; tranh thủ và phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Điều này thể hiện ở hệ thống pháp luật phải hoàn thiện, không còn những "điểm nghẽn", "nút thắt", từ đó tạo một không khí dân chủ và phát huy tối đa sức mạnh, nguồn lực trong nhân dân để người dân đoàn kết, phấn đấu, được hưởng đầy đủ quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.
Nhà nước pháp quyền phục vụ đời sống nhân dân
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, với bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn nhắc nhở cần phải cụ thể hóa, không thể nói chung chung Đảng lãnh đạo trong xây dựng nhà nước pháp quyền, khắc phục cho được tồn tại: nhận thức về tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có lúc, có nơi chưa đồng đều.
Theo ông Phan Xuân Sơn, "tính Đảng" hay sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được thể hiện trên các khía cạnh chủ đạo như Đảng lãnh đạo về xây dựng các mô hình nhà nước tổng thể nói chung; Đảng lãnh đạo xây dựng cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp (Quốc hội), quyền hành pháp (Chính phủ), quyền tư pháp (hệ thống Tòa án)...
Mục tiêu trước nhất của xây dựng nhà nước pháp quyền là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vậy, làm thế nào để quyền lực thuộc về nhân dân? Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn phân tích, muốn đạt được điều này cần phát huy mạnh mẽ tính Đảng.
"Đảng ta có mệnh đề rất hay là: ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Do đó, tính Đảng ở đây là trong xây dựng, thực thi luật của Nhà nước pháp quyền, phải phản ánh ý chí và quyền lợi của công dân, của cộng đồng các dân tộc, hay nói cách khác là thể chế hóa lý tưởng của Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong điều luật, đồng thời không để bị chi phối, tha hóa, bị lung lạc bởi các thế lực khác nhau trong quá trình làm và thực thi luật", Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn luận giải.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn, để pháp luật được thượng tôn, phản ánh nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân, những đảng viên được Đảng tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, những đảng viên là các cán bộ trực tiếp thực hiện triển khai các thể chế phải luôn gắn mình với đời sống... Khi xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, mạch lạc thì đời sống xã hội, đời sống nhân dân sẽ tốt lên và lợi ích của nhân dân đúng là gắn với lợi ích của Đảng và Đảng rõ ràng là đấu tranh, phấn đấu cho lợi ích của nhân dân...
Tâm đắc với những vấn đề Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết, theo ông Phan Xuân Sơn, đó là: Xây dựng bộ máy tinh gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực thi pháp luật của Nhà nước pháp quyền, đồng thời hướng dẫn làm gương cho nhân dân thực thi pháp luật.
"Để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tăng cường đồng thời 2 yếu tố: Đức trị và pháp trị. Trong đó, "đức trị" là phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố "pháp trị" là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật", ông Phan Xuân Sơn nêu quan điểm.