Theo KCNA, cuộc tập trận diễn ra ngày 30/5 nhằm thể hiện rằng Triều Tiên "sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ bất cứ lúc nào và tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu trong trường hợp kẻ thù cố tình sử dụng các biện pháp quân sự".
KCNA nêu rõ dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, lực lượng tên lửa đã đánh trúng mục tiêu một hòn đảo cách đó khoảng 365 km.
Video và hình ảnh do KRT công bố cho thấy 18 tên lửa, được các chuyên gia gọi là KN-25, bay lên không trung từ các bệ phóng di động.
KN-25 là hệ thống tên lửa phóng loạt cỡ nòng siêu lớn, được thử nghiệm lần đầu vào năm 2019.
Theo các chuyên gia, loại vũ khí này được xem là đã xóa nhòa đi sự khác biệt giữa rocket phóng loạt và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
KN-25 có thể phóng nhiều loại tên lửa tiêu chuẩn, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tầm bắn của loại vũ khí này ước tính khoảng 380 km.
Những video và hình ảnh này được đưa ra sau khi Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Theo JCS, các tên lửa đạn đạo này được phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 6h14 phút sáng 30/5 (theo giờ địa phương) ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Xem video nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát cuộc tập trận phóng tên lửa đa nòng "siêu lớn" 600 mm từ một địa điểm không xác định. Nguồn: KRT/Reuters
Vụ phóng tên lửa nêu trên của Triều Tiên diễn ra sau khi nước này thất bại trong lần phóng vệ tinh trinh sát quân sự vào tối 27/5 do tên lửa đẩy phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng.
Theo KCNA, qua kiểm tra, các chuyên gia đánh giá sơ bộ rằng nguyên nhân của sự cố là do hạn chế của động cơ oxy lỏng trộn xăng mới được phát triển.
Sau thất bại này, vào hôm 29/5, KCNA cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh rằng năng lực tiến hành do thám không gian là rất quan trọng để tự vệ cũng như bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực sở hữu năng lực này.
Trước những động thái nêu trên của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên kế hoạch nhóm họp để bàn thảo các vấn đề liên quan vào hôm 31/5.
Trước đó vào hôm 30/5, Đặc phái viên hạt nhân của ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng chia sẻ đánh giá liên quan, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên.
Về phần mình, Mỹ đã lên án các vụ phóng gần đây của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực phá vỡ nguồn thu của Bình Nhưỡng nhằm tài trợ cho các chương trình vũ khí bị cấm của nước này.