Mới đây nhất, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8/9 đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự lễ hạ thủy ngày 6/9 tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật. Ông nhấn mạnh việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Hải quân là một nhiệm vụ cấp bách. Ông còn cam kết sẽ chuyển thêm các tàu ngầm và chiến hạm trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật cho lực lượng Hải quân.
Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ đảm bảo sự ủng hộ trung thành từ các chỉ huy Hải quân và nâng cao lòng tự hào dân tộc. Bà Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Cho đến gần đây, ông Kim Jong-un dường như đã bỏ bê các chương trình hạt nhân của Hải quân. Việc tái tập trung vào khả năng hạt nhân của Hải quân có thể được lực lượng này hoan nghênh".
Dưới đây là video về lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên hôm 6/9 (nguồn: Daily Mail):
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá Hải quân Triều Tiên trong lịch sử luôn bị lép vế so với lực lượng trên bộ và bị lu mờ bởi chương trình tên lửa đạn đạo phát triển nhanh chóng của nước này. Giờ đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng Hải quân sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân của đất nước.
Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2022 của quân đội Hàn Quốc, Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPANF) sở hữu khoảng 470 chiến hạm, bao gồm tàu tên lửa dẫn đường, tàu ngư lôi, tàu tuần tra nhỏ và tàu hỗ trợ hỏa lực. Triều Tiên cũng có khoảng 70 tàu ngầm, 40 tàu hỗ trợ và 250 tàu đổ bộ.
Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc nhận định: “Lực lượng Hải quân Triều Tiên có khả năng tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khả năng hoạt động ở vùng biển sâu của họ bị hạn chế vì lực lượng chủ yếu bao gồm các tàu nhỏ, tốc độ cao”.