Hơn 3 năm nay, Tuấn Anh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã sáng tạo, chế tác được hơn 2.000 tác phẩm độc đáo từ linh kiện xe máy, ô tô cũ. Các tác phẩm của anh đa dạng, phong phú, từ tạo hình tắc kè, gà, đầu dê… đến các sản phẩm dùng trong gia đình như đồng hồ, đèn ngủ.
Giữa tháng 10/2021, sau khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất được phép mở trở lại, chúng tôi tìm đến khu xưởng ở quận Bình Thạnh - nơi chuyên trang trí cơ khí. Tại đây, chúng tôi thấy Tuấn Anh cùng các nhân viên đang tất bật cắt, ghép, hàn.... phụ tùng thành những sản phẩm độc đáo theo đơn đặt hàng của khách.
Nói về cơ duyên đến với nghề chuyên trang trí mô hình cơ khí, anh Tuấn Anh kể: “Thủa nhỏ tôi đã rất đam mê và yêu thích những sản phẩm sáng tạo về kim loại. Sau này, tôi lớn lên có va chạm với những máy móc cơ khí, thiết bị xe máy, ô tô cùng với xem những sản phẩm trên mạng của nước ngoài nên tôi yêu thích và đam mê, từ đó quyết định theo lĩnh vực này”.
“Trước đây, tôi từng theo học tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh ngành công nghệ thông tin. Nhưng vì niềm đam mê chế tạo cơ khí, tôi quyết định nghỉ học khi còn là sinh viên năm ba để theo đuổi giấc mơ của mình. Giai đoạn đầu, tôi vào làm ở xưởng của chị gái, phụ trách việc trang trí cho xe máy, mô tô. Đồng thời, lúc rảnh rỗi tôi thường đến các tiệm trà sữa, quần áo để vẽ, sơn trang trí nhằm kiếm thêm thu nhập”, Tuấn Anh tâm sự.
Đến năm 2018, sau nhiều năm đi làm thêm và dành dụm được một số vốn, Tuấn Anh mua máy cắt, máy tiện, máy hàn và các linh kiện cũ dùng làm “nguyên liệu” để “sáng tác” và bắt đầu “vẽ” giấc mơ của riêng mình.
Tuấn Anh tâm sự: “Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn và chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Nhưng sau khi xem qua các video trên mạng, tôi đã tự mày mò, sáng tạo thử các sản phẩm đơn giản như đồng hồ, đèn chiếu sáng…”. Lúc đầu, Tuấn Anh tìm mua những món phụ tùng xe máy, ô tô cũ từ các cửa hàng quen biết và ở những bãi xe máy, ô tô cũ nát… cộng thêm chút sáng tạo, kinh nghiệm để kết hợp chúng lại, tạo nên những tác phẩm hoàn chỉnh, độc đáo rồi bán ra thị trường.
Các phẩm chủ lực của Tuấn Anh chủ yếu về động vật, các sản phẩm dùng trong gia đình. Tùy theo kích cỡ và độ tỉ mỉ của mỗi món đồ, sản phẩm có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
"Một tác phẩm mô phỏng về động vật thường có hình dáng mềm mại và có nhiều độ cong. Người thợ khi lắp ghép những bộ phận kim loại cần có sự tỉ mỉ rất là cao, tư duy về mỹ thuật và trong quá trình tạo hình phải lựa chọn được những nguyên vật liệu sao cho phù hợp nhất thì mới ra được độ mềm mại, nét đẹp trong cơ khí. Trong đó, phần chủ chốt nhất chính là phần mặt, mũi của con vật sao cho có hồn, tỉ lệ tương đối nhất khi nhìn vào”, Tuấn Anh nói.
Theo chủ xưởng, kim loại là một trong những thứ khô cứng và khó tạo hình nhất. Trong quá trình tạo hình chỉ cần sơ xuất mắc phải một lỗi nhỏ, thường phải cắt bỏ hoặc làm lại từ đầu.
Từ khi khởi nghiệp đến nay, Tuấn Anh đã đào tạo được hơn 20 người. Nhiều người sau ra nghề đã ra ngoài tự mở làm cho riêng mình, số còn lại làm việc cho Tuấn Anh và được trả với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng. Ngoài vấn về lương bổng, Tuấn Anh còn tạo cho nhân viên môi trường làm việc thoải mái và thỏa sức sáng tạo. Trung bình, một tác phẩm cơ khí có thể mất vài ngày cho đến cả tháng để hoàn thiện, tuỳ theo kích thước, độ chi tiết...
Là một trong những nhân viên đang làm tại nhà xưởng, anh Nguyễn Hoàng Anh Huy chia sẻ: “Năm 2019, khi còn là sinh viên của một trường kỹ thuật trong thành phố, tôi vừa đi học ở trường và làm thêm ở đây cho đến bây giờ. Thời gian đầu, tôi cũng chưa quen việc, vào làm thì được anh Tuấn Anh và các anh em trong xưởng hỗ trợ sử dụng máy móc, khả năng sắp xếp các sản phẩm sao cho đẹp và chỉnh chu nhất giúp cho tôi tư duy để có thể thỏa sức sáng tạo. Trải qua gần 2 năm gắn bó, tôi cũng làm được khoảng 100 sản phẩm”, anh Huy bộc bạch.
Nói thêm về giai đoạn tình hình kinh doanh những tháng qua, Tuấn Anh chia sẻ: “Khi dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, xưởng của tôi gần như dừng hoạt động, nhiều công nhân bị cách ly không thể đi làm, chỉ còn lại 3 người và đồ chế tác cũng không có để làm, khách hàng cũng ít đặt hơn. Có thể nói, đó là giai đoạn thực sự khó khăn”.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang bước sang giai đoạn “bình thường mới”, xưởng cũng kinh doanh trở lại nhờ những đơn đặt hàng từ khách hàng ở khắp các tỉnh, thành. Giờ đây, Tuấn Anh và các cộng sự có thể tiếp tục sáng tạo, dùng hết kinh nghiệm, khả năng của mình mang những sản phẩm độc đáo đến tay người tiêu dùng.