Theo Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì xây dựng Chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người thiểu số rất ít người có nguy cơ mai một"...
Kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh; Tăng cường xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế; Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Cụ thể, các cơ quan, ban, ngành tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội với các đặc tính "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo"; tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa trong nhân dân, đặc biệt cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, kỹ năng sống, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân và xã hội; xây dựng, phát huy lối sống có ý thức tự chủ, tự giác, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.
Về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế, các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đạo đức của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.
Các cơ quan, ban, ngành xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và những người có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và xã hội.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, cải cách hành chính, công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp và người dân; triển khai các cơ chế phản biện xã hội nhằm minh bạch hóa hoạt động của cả hệ thống chính trị.