Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết với chủ đề “Xây dựng thiết chế văn hóa tại TP Hồ Chí Minh” phản ánh những thực trạng còn tồn tại và đưa ra giải pháp nhằm xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thành phố.
Bài 1: Thiết chế văn hóa còn lạc hậu
TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương quan tâm đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ phúc lợi văn hóa cho người dân. Tuy nhiên, một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở công lập do xây dựng từ trước năm 2000 đã lạc hậu, xuống cấp và chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định.
Thiếu và yếu
Là mô hình sân khấu kịch nói xã hội hóa điển hình trong hoạt động tiêu biểu của Thành phố hơn 25 năm qua, đến nay, sau nhiều lần đóng cửa, sửa chữa chắp vá, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (nằm ở lầu 3, số 5B Võ Văn Tần, Quận 3) vẫn trong tình trạng xuống cấp, xập xệ. Khán phòng nhỏ, thiếu ánh sáng và nóng nực, khu vực ghế ngồi bằng sắt hoen rỉ.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, cơ sở vật chất xuống cấp luôn là trăn trở chung của những người quản lý các đơn vị nghệ thuật. Hiện, Thành phố gần như không có sàn diễn nào đẹp, đạt chuẩn, vị trí tốt để có thể đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn. Việc không có điểm diễn, các tác phẩm nghệ thuật sẽ không có cơ hội đến với công chúng. Loại hình sân khấu kịch nói riêng theo dòng chảy của thời gian cứ thế mai một dần.
Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp, tình trạng thiếu sân khấu phù hợp cũng là nỗi niềm chung của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật TP Hồ Chí Minh hiện nay. Nhìn lại tổng thể các sân khấu của Thành phố, một số nhà hát lớn của Thành phố như Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam,… đều là những điểm vừa cũ vừa hạn chế không gian nghệ thuật.
Dù không ngừng cho ra đời những sản phẩm tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả thành phố và đặc biệt du khách quốc tế, nhưng từ khi thành lập tới nay, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh vẫn trong hoàn cảnh “một chốn ba nơi”. Phòng tập múa phải thuê ở số 81 đường Trần Quốc Thảo. Dàn nhạc tập luyện là kho của nhà hát thuê tại một nơi khác. Phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố. Trung bình mỗi năm, đơn vị này phải chi một số tiền lớn cho việc thuê mướn điểm diễn và tập luyện.
Đại diện Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng thiếu điểm diễn không chỉ khiến đơn vị gặp khó khăn trong tổ chức biểu diễn mà còn không thể mạnh tay đầu tư thực hiện những chương trình quy mô, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng khắp. Điều này vô hình chung làm giảm cơ hội cho các chương trình dàn dựng công phu, chất lượng nhằm phục vụ khán giả.
Ở góc độ quản lý, theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, các vấn đề bất cập trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng thiết chế văn hóa tại Thành phố đã tồn tại trong nhiều năm qua, thể hiện qua hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa, Nhà hát, rạp hát, bảo tàng, thư viện…Tuy nhiên, việc quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do nhiều dự án quy hoạch phải ưu tiên xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thông và áp lực dân số Thành phố ngày càng tăng nhanh.
Thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh các điểm diễn xuống cấp, cũ kỹ, TP Hồ Chí Minh đang thiếu những công trình lớn, xứng tầm để tổ chức các chương trình biểu diễn hàn lâm, đẳng cấp ở tầm quốc gia và quốc tế. Từ trước đến nay, các chương trình quy mô, những ngày lễ kỷ niệm thiêng liêng của thành phố đều được chọn tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vì đây là địa điểm đủ sức chứa, đáp ứng nhu cầu.
Về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa chưa đáp ứng mong đợi người dân, đặc biệt công trình văn hóa nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức, trong đó các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm thực hiện.
Thực tế, trong 8 công trình văn hóa nằm trong kế hoạch xây dựng mới của TP Hồ Chí Minh về thiết chế văn hóa như Trung tâm Văn hóa thành phố; Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ; Trung tâm Nghệ thuật truyền thống; Bảo tàng Tôn Đức Thắng (Quận 1); Bảo tàng TP Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức); Cung Thiếu nhi Thành phố (thành phố Thủ Đức)..., mới có Bảo tàng Tôn Đức Thắng sắp hoàn thành, Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ mới khởi công.
Dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, với quy mô rộng 1,2 ha, gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ, hứa hẹn sẽ là điểm hội tụ các chương trình văn hóa nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam… đã bị tạm dừng vào tháng 8/2022. Nhà hát nào được giới văn nghệ sỹ kỳ vọng sẽ “giải tỏa” cơn khát mặt bằng địa điểm biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh.
Về tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao của thành phố, ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, đa số các công trình văn hóa, thể thao được xây dựng từ trước 1975, sau này bàn giao cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa cải tạo lại để sử dụng. Do đó, khi đưa vào sử dụng lại, những cơ sở ấy này không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của lĩnh vực văn hóa… Chính sự bố trí không đồng bộ, không phù hợp dẫn đến hoạt động văn hóa, thể thao kém hiệu quả.
Ông Đặng Xuân Phương cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một trong nhiều tỉnh, thành chưa có quy hoạch về thiết chế văn hóa, trong khi cả nước có được 46 tỉnh, thành đã ban hành quy hoạch về vấn đề này. Thành phố chưa tổ chức được các sự kiện lớn, mang tầm cỡ quốc tế bởi thiếu cơ sở vật chất. Với vai trò của mình, Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ngành liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc đề xuất để TP Hồ Chí Minh có sự quan tâm đầu tư hơn nữa cho văn hóa, thể thao.
Bài 2: Đẩy mạnh xã hội hóa