Xây dựng “ngôi nhà chung” của các dân tộc - Bài cuối

Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, một dự án đồ sộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hứa hẹn thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tham quan mỗi năm nhưng nay trông chẳng khác gì khu đất bị bỏ quên. Hàng loạt công trình mới xây xuống cấp, xập xệ, không khí ảm đạm, vắng vẻ...

Trao đổi với phóng viên TTXVN về những phản ánh nêu trên, ông Lâm Văn Khang, Phó trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Các thông tin phản ánh trên báo chí nhiều năm qua đã giúp ích đắc lực cho Làng trong quá trình xây dựng cũng như tổ chức sự kiện văn hóa dân tộc trọng đại của đất nước. Thông tin như một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải gần đây cũng là một cách góp ý cho Làng. Tuy nhiên, có lẽ do chưa tìm hiểu kĩ lưỡng về công việc cũng như các hoạt động của Làng nên thông tin chưa đầy đủ.


Phần lớn các công trình được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Về thông tin các công trình xây dựng xuống cấp, đại diện Ban quản lý Làng cho biết: Bất kỳ công trình nào trong quá trình vận hành đều bị xuống cấp do thời gian, tác động của khí hậu, thời tiết, không riêng gì các công trình ở Làng. Một điều đặc biệt phải kể đến là các công trình kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam tại các khu làng hầu như được thi công bằng các vật liệu tranh, tre, nứa, lá... theo đúng thiết kế và đặc trưng nhà ở của từng dân tộc, nên việc xuống cấp, hư hại diễn ra nhanh hơn các công trình kiên cố, hay bằng các vật liệu bền vững. “Trước khi thi công các công trình, toàn bộ nguyên vật liệu đã được xử lý để đảm bảo chống mối mọt, hư hại ở điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, chính đồng bào cũng khẳng định rằng nhà hoặc các công trình bằng tranh tre gỗ rất dễ bị ẩm mốc, mối mọt và xuống cấp, hư hỏng...”, đại diện này cho biết.

Để khắc phục hiện tượng xuống cấp, hàng ngày bộ phận duy tu, bảo dưỡng của Ban quản lý Làng phải đến từng ngôi nhà, mang theo lò đốt than củi, xông khói vào từng ngóc ngách trong nhà để khói ám vào cột gỗ, mái tranh, như có người ở trong đó. Việc xông khói này được tiến hành vào sáng sớm để tránh các hiện tượng cháy nổ. Để ứng phó với các hiện tượng hư hại, xuống cấp trong các công trình, Ban quản lý Làng thường xuyên tổ chức duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp công trình, cũng như tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, không thể lường hết và chống chọi tuyệt đối với các thiên tai như lốc xoáy, mưa bão hoặc các tai nạn như chập điện, cháy nổ... “Hiện Làng đang thử nghiệm thay thế vật liệu kiên cố tại một số điểm công trình kiến trúc thuộc các khu làng dân tộc. Nhưng việc này không khả thi, làm xấu cảnh quan các công trình, đồng bào không chấp nhận yếu tố kiên cố, bê tông hóa bất cứ bộ phận nào của ngôi nhà so với bản nguyên mẫu. Sắp tới, Ban quản lý Làng lại đưa công trình thử nghiệm này về đúng nguyên mẫu theo đề nghị của đồng bào”, đại diện Ban quản lý Làng chia sẻ.

Về sự việc hai ngôi nhà của dân tộc Chứt, dân tộc Cống bị hỏa hoạn do chập cháy từ tháng 4/2014 (không phải 4/2013 như một số báo đã đưa), Ban quản lý Làng đã lên kế hoạch phục hồi nguyên trạng. Đại diện Ban quản lý Làng chia sẻ: “Đối với các hư hại nhỏ như tốc một góc mái, sàn nhà mối mọt… Ban quản lý Làng tiến hành sửa chữa, thay thế phần hỏng thường xuyên bằng nguồn kinh phí hàng năm. Còn đối với hư hỏng nặng như nhà của dân tộc Chứt, dân tộc Cống cần phải có kế hoạch lâu dài hơn vì việc phục hồi cả một ngôi nhà không thể xong trong thời gian ngắn”.

Ban quản lý Làng luôn mong muốn đẩy nhanh để hoàn tất công việc, phát huy hiệu quả của Làng. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước ít, việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào Làng còn hạn chế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung của Làng theo hướng tăng tính hấp dẫn đầu tư, tái cơ cấu các khu chức năng. Đồng thời tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời các đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, đề nghị phối hợp quảng bá, xúc tiến, gặp gỡ các nhà đầu tư lớn quan tâm…

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Đức Hậu: Làng đang trong quá trình khai thác cục bộ các khu nhằm phục vụ du khách và các sự kiện chính trị, giao lưu văn hóa, đồng thời đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện cảnh quan, không gian. Năm 2013, đã có 250.000 lượt người dự các sự kiện được tổ chức tại Làng và 6 tháng đầu năm 2014, con số này đã lên đến hơn 198.000 lượt. Đây là thành tích đáng khích lệ đối với Làng. Quan trọng hơn cả là nét đẹp văn hóa của 54 dân tộc đã được hội tụ, tỏa sáng, tôn vinh dưới mái nhà chung.

Ông Hoàng Đức Hậu cũng khẳng định rằng: Để Làng thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân, bạn bè quốc tế, Ban quản lý Làng không thể “đơn độc” làm được việc này mà luôn cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, các bộ, ngành, địa phương và cả các cơ quan thông tin đại chúng.

Thanh Giang

Nhiều hoạt động chào mừng dịp lễ 30/4 và 1/5 tại Làng văn hóa dân tộc

Chào mừng dịp lễ lớn 30/4 và 1/5, từ ngày 27/4/2013 đến hết ngày 1/5/2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc, chợ vùng cao để bảo tồn, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN