Xây dựng nếp sống văn minh qua việc cưới, việc tang, lễ hội

Việc cưới, việc tang, lễ hội là những sinh hoạt văn hóa gắn với phong tục tập quán có từ lâu đời, có ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, song ở nhiều nơi, thủ tục vẫn tồn tại, thậm chí biến tướng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Cưới vui tiết kiệm, tang không cỗ bàn

Từ nhiều năm nay, việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành một cuộc vận động lớn trong các tầng lớp nhân dân, có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Bước đầu cuộc vận động đã có những chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên ở nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Đám cưới ở nhiều địa phương đã được tổ chức văn minh, tiết kiệm.


Gia đình anh Vũ Đức Tuyền và chị Hà Thị Linh (ở xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), đều có điều kiện, lại xuất thân từ những dòng họ lớn, nhưng hai anh chị vẫn quyết định tổ chức đám cưới theo hình thức “cưới văn minh, cưới tiết kiệm, không thuốc lá”. Anh chị đón nhận giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn trong không khí đầm ấm, vui vẻ và trang trọng tại Hội trường UBND xã Thuần Hưng. Lễ cưới được tổ chức đơn giản, trang trọng, chỉ có trầu cau, chè, bánh kẹo.

Đó chỉ là một trong số 300 đám cưới, hỏi được tổ chức theo nếp sống mới ở xã Thuần Hưng. Đây cũng là kết quả hoạt động của mô hình câu lạc bộ “Cưới vui, tiết kiệm” do Hội Liên hiệp thanh niên xã Thuần Hưng thành lập năm 2012, từng bước đưa việc tổ chức đám cưới ở xã ngày càng văn minh, tiết kiệm.
Hơn 20 năm trước, việc ăn uống tại các đám tang trong làng Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vẫn diễn ra phổ biến. Có những đám tang kéo dài vài ngày và số lượng cỗ đến cả trăm mâm, gây phiền hà và là gánh nặng của gia chủ. Nhận thấy sự bất cập đó, các cụ cao tuổi trong làng đã họp bàn và đi đến thống nhất là đối với đám tang trong làng, người dân trong làng đến phúng viếng và chia buồn với hiếu chủ chứ không ăn cỗ. Ngoại trừ trường hợp hoàn cảnh đặc biệt (người thân ở xa chưa về kịp), còn lại người chết không lưu trong nhà quá 24 giờ. Nhờ “nghị quyết” của làng mà khoảng 20 năm trở lại đây, việc tang ở Nhân Hòa đi vào nền nếp, văn minh.

Đối với việc cưới, hầu hết mọi người trong làng đều nhận thấy, hiện nay nhu cầu về ăn uống không còn là vấn đề lớn, thậm chí việc đi ăn cỗ nhiều trở thành sự mệt mỏi và vẫn nặng hình thức “trả nợ miệng”, lại không tránh khỏi “ma chê, cưới trách”, dễ dẫn đến việc so bì “cỗ nhà này to, cỗ nhà kia bôi bác”... Từ thực tế đó, nhân dân trong làng Nhân Hòa đã họp bàn và đi đến thống nhất: Để tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tất cả các đám cưới trong làng, tuy vẫn tổ chức tiệc mặn vào ngày chính tiệc nhưng thành phần dự tiệc chỉ là người trong họ hàng nội, ngoại, bạn bè thân thiết của gia chủ, còn dân làng chỉ đến ăn trầu, uống nước và mừng cho gia chủ vào buổi tối hôm bắc rạp. Nhờ vậy mà trước đây, bình quân mỗi đám cưới trong làng có đến cả trăm mâm cỗ, thì nay, mỗi đám cưới chỉ còn vài chục mâm, mà các đám cưới vẫn nhận được đầy đủ sự chúc mừng, chia vui của người dân trong làng.

Cách nay chưa lâu, các đám tang ở xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương còn khá phổ biến các hủ tục như khóc thuê, rải vàng mã, tổ chức ăn uống linh đình, cúng viếng nhiều vòng hoa, giữ người chết trong nhà quá thời gian quy định, gây mất vệ sinh cho cộng đồng dân cư... Từ năm 2013, khi xã ban hành quy chế thực hiện lành mạnh trong việc tổ chức tang lễ, hiện nay, các đám tang trên địa bàn xã đều tổ chức theo đúng quy chế, mỗi đám tang chỉ sử dụng dưới 5 vòng hoa luân phiên do tang chủ tự chuẩn bị, người tới viếng đám tang hiện nay chỉ cần mang chút hương nến, hoa quả. Các đám tang không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 21 giờ đêm, sử dụng nhạc tang đúng với truyền thống địa phương, tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang không còn xuất hiện. Các tuần tiết sau đám tang gọn nhẹ hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường và trật tự công cộng. Các gia đình có tang cũng không tổ chức cỗ bàn, không dùng thuốc lá, rượu bia trong đám tang...

Không chỉ ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, mà trong những năm qua, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có sự chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tại Bắc Giang, chỉ tính riêng trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 7.609 đám tang, nhưng có tới 83,5% không mời ăn trong đám tang, 4,65% đám thực hiện hỏa táng, nhiều đám tang đã xóa bỏ các thủ tục rườm rà như bắc cầu, đội mũ rơm, lăn đường, chèo đò... Tại Tuyên Quang, nhiều địa phương duy trì mô hình đám cưới “không sử dụng thuốc lá”. Tại Yên Bái, các tiệc cưới cơ bản được tổ chức tiết kiệm, nhiều đám cưới do đoàn thanh niên đứng ra tổ chức, các đôi nam nữ khi đăng ký kết hôn đã tổ chức dâng hương, trồng cây lưu niệm tại các khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ. Trong việc tang, hầu hết các đám tang của đồng bào dân tộc Mông ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã được đồng bào khâm liệm, đưa vào quan tài để đảm bảo vệ sinh...
Phương Hà
Việc cưới, tang ở Lạng Sơn ngày càng văn minh
Việc cưới, tang ở Lạng Sơn ngày càng văn minh

Tỉnh Lạng Sơn có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 43,9%, Tày chiếm 35,3%, Kinh chiếm 15,3%, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện trong đám cưới, các ngày lễ Tết, các món ăn ẩn thực...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN