Việc xây dựng bảo tàng nhằm tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp, đồng thời vinh danh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp của vùng
Đề án khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long được xem như một vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, hình thành và phát triển từ lâu đời. Việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng là rất cần thiết nhằm kịp thời lưu giữ di sản văn hóa nông nghiệp, tôn vinh vai trò của người nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Bảo tàng với phương thức tổ chức động và mở, chú trọng yếu tố trình diễn, trải nghiệm nên sẽ là nơi giáo dục sinh động để người dân tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng, tạo sinh kế cho người dân…
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2007, tỉnh đã đề xuất ý tưởng xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với dự án khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đều xác định địa điểm xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2016, đề án xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, đồng thời tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng ghi nhận Bảo tàng thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, tỉnh đã tiến hành xây dựng đề án với sự tư vấn của Trường Đại học Cần Thơ, đồng thời bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ, phương tiện sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở cho quá trình xây dựng đề tài. Tỉnh cũng nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị và có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành trong khu vực; qua đó đại diện các tỉnh đã thống nhất cùng đóng góp, sưu tầm và trưng bày tư liệu, hiện vật thể hiện đặc trưng của địa phương mình tại Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp kết nối phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp và liên kết phát triển du lịch trong vùng.
Bảo tàng nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích khoảng 11 ha. Bảo tàng sẽ tập trung trưng bày các hiện vật với bốn chuyên đề gồm: Các tiểu vùng sinh thái tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do sự khác biệt từ địa chất, đất, chế độ thủy văn…; hoạt động khai khẩn và tổ chức sản xuất của người dân trên các vùng sinh thái khác nhau và các thành tựu nông nghiệp ở vùng qua các thời kỳ; những chính sách, văn bản thể hiện chủ trương phát triển có tác động đến nền nông nghiệp ở vùng qua các thời kỳ; sự tương tác giữa thiên nhiên và quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành nên đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, dự kiến kinh phí thực hiện đề án là 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, phân chia thành nhiều giai đoạn thực hiện.
Khai thác hiệu quả, gắn với phát triển du lịch
Hay tin địa phương sẽ xây dựng bảo tàng để lưu giữ và ghi dấu những công trình, sáng kiến của người nông dân, ông Nguyễn Văn Trưng, ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm phấn khởi và mong muốn nơi đây sẽ trở thành nơi tôn vinh vai trò, vị thế của người nông dân. "Nếu có bảo tàng để người dân, nhất là thế hệ trẻ thấy được sự sáng tạo của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp xưa cũng như những cái mới của thời đại công nghiệp hóa ngày nay thì rất ý nghĩa. Ở thời đại nào, người nông dân cũng thích ứng và làm chủ công cụ, phương tiện sản xuất để làm ra sản phẩm phục vụ đời sống”, ông Trưng chia sẻ.
Còn ông Trương Thành Danh, ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm cho biết: "Sưu tập được những hiện vật mà từ trước đến nay người nông dân chế tạo để giới thiệu, giáo dục truyền thống cho con cháu sau này biết được, hiểu được sự vất vả và đóng góp của ông cha mình... thì rất hay. Tuy nhiên, ông cũng mong nếu được phê duyệt thì tỉnh sẽ khai thác hiệu quả, đừng để mai một, lãng phí".
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần của nền văn minh nông nghiệp trong vùng. Nơi đây sẽ trưng bày các hiện vật, tài liệu về nông nghiệp, giới thiệu các kỹ thuật sản xuất, lịch sử phát triển của nông nghiệp, sự thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân qua từng thời kỳ. Ngoài ra, việc xây dựng bảo tàng gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch.
Ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh: Tỉnh cũng tính phương án hạn chế tối đa việc di dời các hộ dân đang sinh sống trên các phần đất mà sẽ hỗ trợ họ chuyển đổi sinh kế, thu lợi từ chính phần đất của mình trên cơ sở làm du lịch. Trong Bảo tàng sẽ có những phân khu để phát triển du lịch như khu vui chơi giải trí, làng nghề với những nghề chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của vùng. Khách đến tham quan có thể tham gia sử dụng các công cụ lao động và áp dụng nó trên đồng ruộng như cách mà ông cha ta từng làm...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đề án hướng đến cộng đồng, qua đó tôn vinh những thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp và sự đóng góp của người nông dân trong vùng. Việc tổ chức khai thác để phát huy giá trị của bảo tàng là vấn đề quan trọng, được tỉnh quan tâm, nghiên cứu để đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh đang xây dựng các dự án cụ thể, chi tiết về việc tổ chức khai thác để phát huy giá trị của bảo tàng, trong đó tập trung quảng bá giới thiệu về bảo tàng, tổ chức phong phú các sự kiện, hoạt động tham quan, trải nghiệm kết hợp giáo dục, nghiên cứu khoa học và tổ chức các tuyến du lịch kết nối trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.