Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cộng đồng người Việt ở Đức và cả những người từng học tập, làm việc ở Đức hầu như không ai chưa từng nghe tới tên Giáo sư Lulei, một con người thân thiện, gần gũi, rất rành tiếng Việt cũng như văn hoá và lịch sử Việt Nam. Cuộc đời ông từ khi bắt đầu học tập, nghiên cứu và cả quá trình làm việc sau này đều liên quan tới Việt Nam, dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam một vị trí trang trọng trong trái tim.
Trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ Vũ Quang Minh đăng lại thông báo của Hội Đức-Việt (DVG) về sự ra đi của Giáo sư Lulei và bày tỏ vô cùng thương tiếc ông. Chủ tịch DVG, cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Rolf Schulze, gọi đây là một mất mát to lớn. Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười (VN10CLUB) - một thành viên của DVG, bày tỏ tiếc thương Giáo sư Lulei - "nhà sử học, nhà giáo, nhà Việt Nam học nổi tiếng, một con người tuyệt vời, một người bạn tốt của Việt Nam và là người bạn thân thiết của VN10CLUB" và cho biết Giáo sư sẽ mãi ở lại trong ký ức tốt đẹp của mọi người. Đông đảo cộng đồng người Việt và cả những người Đức biết ông cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Giáo sư, bày tỏ sự tiếc thương khi Việt Nam mất đi một người bạn lớn, người đã góp phần vào định hình tình hữu nghị giữa Đức và Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei sinh ngày 7/9/1938 tại Láryšov (CH Séc). Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1956, ông học lịch sử và ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Karl-Marx ở Leipzig; nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Việt Nam tại Viện Đông Á và nhận bằng Tiến sĩ năm 1965. Bảo vệ thành công luận án về các tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất ở Việt Nam năm 1976, ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Tổng hợp Humboldt ở Berlin. Sau một thời gian giảng dạy tại đây, ông trở thành Giáo sư Việt Nam học tại trường, làm trưởng bộ môn Đông Nam Á và Giám đốc Viện Đông Nam Á. Ông nghỉ hưu năm 1998. Là một trong số thành viên đồng sáng lập Hội Đức-Việt, liên tục trong nhiều năm, ông là ủy viên Ban chấp hành Hội và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Hội. Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, ông đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam, trong đó phải kể tới cuốn "Cả nước Việt Nam trên đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội" xuất bản năm 1978 và cuốn "Lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương tới nay" xuất bản năm 2018.
Có thể nói, trong khoảng 60 năm qua, Giáo sư Lulei gắn bó thường xuyên và chặt chẽ với Việt Nam. Ông đã nhiều lần sang Việt Nam từ những năm 1960 để học tập, nghiên cứu, làm việc và giảng dạy. Đặc biệt, ông đã hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các chuyến thăm Việt Nam và Người đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong trái tim ông. Giáo sư Lulei từng kể rằng, ấn tượng sâu sắc nhất của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là một người yêu nước nồng nàn, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng, luôn hướng tới việc giúp đỡ người khác, dù là người Việt Nam hay người dân ở những nước khác trên thế giới và là người luôn đau đáu làm sao để cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
Với sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hoá Việt Nam cũng như tình cảm lớn mà ông dành cho đất nước Việt Nam, Giáo sư Lulei đã tham gia rất nhiều hội thảo, hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề về Việt Nam để giúp bạn bè Đức và quốc tế hiểu hơn về Việt Nam trong lịch sử cũng như sự chuyển mình ở hiện tại. Là người gắn bó chặt chẽ và luôn ủng hộ các hoạt động của CLB Văn nghệ Tháng Mười, Giáo sư Lulei cho rằng, người dân Đức trước đây đã có nhiều hoạt động ủng hộ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong quá trình phát triển đất nước, song lại chưa hiểu nhiều về Việt Nam và chính các hoạt động của CLB đã thực hiện sứ mệnh truyền bá văn hóa và những nét đẹp của Việt Nam tới nhân dân Đức, giúp bạn bè Đức hiểu hơn về đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Sự ra đi của Giáo sư Lulei để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng những người bạn Việt Nam biết về ông. Những nỗ lực đưa hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với nhân dân Đức cũng như vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị Đức-Việt ngày càng bền chặt của ông sẽ mãi được khắc ghi trong lòng người dân Việt Nam, là niềm cảm hứng cho những thế hệ hiện tại và mai sau tiếp tục gìn giữ và phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.