Hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương, làng Muống thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có lễ hội thi giã bánh dày để tưởng nhớ người các đức vua Hùng.
Bánh ngon cũng lắm công phu
Hàng năm, cứ sau khi ăn Tết xong là người dân làng Muống lại bắt tay vào việc chuẩn bị cho lễ hội chùa Muống (tên tự là Quang Khánh) bắt đầu từ ngày 24 đến 26 tháng giêng. Lễ hội là dịp nhân dân địa phương tưởng nhớ đến công lao to lớn của Thánh tổ Non Đông (nhà sư Tuệ Nhẫn) là một môn đệ của thiền phái Trúc Lâm, chủ trì xây dựng. Đây là ngôi chùa được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa quốc gia đầu tiên của huyện Kim Thành.
Điều đặc biệt trong lễ hội chùa Muống là đến nay vẫn tồn tại tục lệ làm bánh dày để dâng cúng. Gần đến ngày lễ hội, trong từng gia đình và khắp cả xóm làng lại vang lên rộn ràng tiếng chày giã bánh cùng với mùi thơm ngào ngạt của những nồi xôi, tạo cho không khí ngày hội thật tưng bừng và ấm cúng. Việc làm bánh dày cũng bắt nguồn từ ý nghĩa câu chuyện hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương.
Đối với nhà chùa, bánh dày được giã vào các buổi sáng trong 3 ngày lễ hội, để bánh lúc nào cũng mới và ngon. Trong ngày lễ chính, chiếc bánh to với nguyên liệu khoảng 2 thúng gạo được nhiều người cùng làm. Bánh dày làng Muống tượng trưng cho mùa màng bội thu mà con cháu dâng lên Thánh tổ, như thành quả của một năm lao động. Việc giã bánh dày trong ngày hội rất được coi trọng. Bánh dày làng Muống rất dẻo và thơm. Bánh được làm cầu kỳ. Gạo nếp làm bánh phải là nếp cái hoa vàng của vụ mùa. Các hạt gạo phải đều và được lựa chọn kỹ càng.
Lễ rước trong hội bánh dày. |
Trước khi giã bánh, gạo nếp được ngâm 6 tiếng, sau đó cho vào chõ để đồ xôi. Khi xôi đã chín, người ta dàn mỏng ra một mảng mo cau. Người được chọn giã bánh phải là những chàng trai, cô gái khỏe mạnh. Để bánh thật dẻo, quá trình giã bánh không được gián đoạn. Khi bột đã nhuyễn, người ta dùng tay vắt bánh vào từng đĩa lá chuối được quấn lá dừa xung quanh.
Cụ Nguyễn Văn Ninh, năm nay ngoài 80 tuổi nhưng rất minh mẫn, kể rằng: Trước đây, làng được chia ra làm 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc. Những giáp này đều phải làm một chiếc bánh dày to với lượng nguyên liệu khoảng 2 thúng gạo để dâng trong lễ hội. Gia đình nào có con trai thì mới được tham gia giã bánh. Công việc giã bánh được tiến hành tại nhà của người trưởng giáp.
Nước dùng để làm bánh phải là nước giếng ở chùa. Người ta cho rằng, nếu lấy nước giếng chùa làm bánh thì bánh tinh khiết, mềm dẻo và thơm ngon hơn. Trước khi giã bánh, các giáp đều phải bày một mâm hoa quả, thắp hương cầu mong Phật tổ phù hộ để cho bánh được ngon hơn. Những gia đình giã bánh bị hỏng thì một người trong gia đình đó phải đến chùa thắp hương, cầu mong Phật tổ xá tội và phù hộ cho gia đình. Dân làng rất kiêng kỵ việc giã bánh bị hỏng vì họ quan niệm đó là điềm không may trong cả năm tới.
Cũng theo các cụ trong làng, trước đây trong phần hội của làng, không thể thiếu được phần thi bánh dày của các giáp trong làng. Tất cả 4 chiếc bánh dày của 4 giáp sẽ được đem ra thi xem bánh nào ngon hơn. Bánh dày sau khi lễ Phật và Thánh tổ xong được rước về đình làng để thi. Những chiếc bánh dày đem đến hội thi đều phải làm hình vuông, các bánh nhỏ hơn để bày các ban ở chùa thì hình tròn.
Tiêu chuẩn lựa chọn khi thi bánh là bánh vuông vắn, trắng, không bị nổi hạt gạo, thơm và dẻo. Giáp nào được giải nhất sẽ rất vinh dự, tự hào và được làng chia cho những thửa ruộng ở nơi đất tốt nhất của làng.
Sẽ lại có Hội thi giã bánh dày…
Ngày nay, việc giã bánh đơn giản hơn trước, trước ngày khai hội, các gia đình thường tập trung tại một nhà nào đó, rồi cùng nhau giã bánh cho vui. Giã bánh dày mang tính tập thể rất cao. Mọi người đều tham gia vào các công đoạn làm bánh.
Các cụ già hướng dẫn cho con cháu giã bánh, những người đàn ông khỏe mạnh thay nhau giã, phụ nữ thì chuẩn bị các đĩa bằng lá chuối và lá dừa để bày bánh. Vui nhất là những cô bé, cậu bé chạy xung quanh để xem người lớn giã bánh và được ông bà kể cho nghe về tục làm bánh dày của làng. Một số gia đình không có điều kiện chỉ gói bánh chưng hay nấu xôi thay cho bánh dày.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch xã Ngũ Phúc cho biết: “Dự kiến trong năm 2012, UBND xã sẽ phối hợp cùng với người dân làng Muống tổ chức hội thi giã bánh dày ngay tại làng, giữa các dòng họ trong làng với nhau. Hy vọng qua những hội thi như vậy sẽ gìn giữ được phong tục giã bánh dày bao đời cũng như phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xã, hướng về các lễ hội lớn của dân tộc”.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, phong tục giã bánh dày trong lễ hội chùa Muống vẫn trường tồn, đi vào tâm thức của người dân làng Muống. Lễ hội chùa Muống là niềm tự hào, nơi hội tụ của dân làng để giáo dục cháu con luôn luôn làm việc thiện, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa của làng quê mình.
Thu Phương