Đã mười lăm năm trôi qua, kể từ khi nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha
(ảnh) ra mắt tập thơ “Thời máu xanh”. Tập thơ ngay sau đó gây tiếng vang trên thi đàn và được dịch ra tiếng Anh, có mặt trong thư viện của những trường đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard, Dalat. Với những người yêu thơ, nhất là những người từ chiến trận còn may mắn sống sót trở về, “Thời máu xanh” chính là tiếng lòng, là những vui buồn, thăng trầm đời lính.
Ở “Thời máu xanh”, người ta bắt gặp hình ảnh những người lính ra đi vì lý tưởng, vì sự sống còn trước vận mệnh của cả dân tộc. Ở đó: “Một thế hệ hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh/Cắn chặt răng không khóc/Cháy thành lửa, tắt thành vuông cỏ mọc/… Những người lính/Những giọt máu xanh/chảy lặng lẽ trên thân hình bán đảo”.
Ở đó, những người lính như Nguyễn Thụy Kha, khi đất nước đã thanh bình, anh cũng đã rời quân ngũ nhưng những tháng năm nơi chiến trường, yêu đất nước bằng tình yêu trọn vẹn, không hề toan tính dâng hiến tuổi xanh, vẫn không nguôi làm anh trăn trở: “Cởi những thập niên máu xanh/đến bao giờ máu tôi đỏ lại”.
Trường ca người lính - sinh viênTrên nền tảng triết lý của “Thời máu xanh” ấy, Nguyễn Thụy Kha xây dựng bộ “Trường ca ngắn - kịch thơ”. “Cuộc chiến đã đi qua, gần bốn mươi năm, nhưng tôi vẫn muốn nói lại toàn bộ hành trình ấy để khép lại một cuộc chiến tranh với những quẫy động suốt thời gian dài. Để từ đây có thể hoàn toàn yên ổn, bớt day dứt hơn. Để bước sang một thời gian khác, làm những tập thơ khác có tính thời đại, mà chủ yếu là làm thơ tình, thơ tình của thế kỷ mới, và những vấn đề của thế kỷ mới”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói.
Bộ trường ca - kịch thơ này, Nguyễn Thụy Kha viết trong nhiều năm. Trường ca “Lòng chảo” là những năm tháng không thể nào quên về một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đến, kịch thơ “Tình làng” là câu chuyện về thời kỳ Đồng Khởi. Trường ca “Cực sóng” là câu chuyện về những chuyến tàu không số, “Biến tấu Souliko” dành tặng riêng nữ anh hùng và cuốn nhật ký đã góp phần thắp lửa tình yêu quê hương đất nước Đặng Thùy Trâm.
“Có một điều tôi rất tin, đó là lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Khi Biển Đông “dậy sóng”, tình yêu ấy một lần nữa được thể hiện rất rõ. |
Những trường ca tiếp theo, như một phần máu thịt của chính nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, từ “Màu Quảng Trị’, “Hà Nội - Tháng Chạp nóng” của năm 1972, rồi “Gió Tây Nguyên” - giải phóng miền Nam 1975 và “Mùa xuân trắng” về cuộc chiến tranh biên giới 1979.
Nguyễn Thụy Kha nhập ngũ ngày 6/9/1971, ngay sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Thông tin (sau này là Học viện Bưu chính) với tấm bằng kỹ sư. Đeo trên vai quân hàm binh nhì, anh được biên chế ở Sư đoàn 325 cùng với rất nhiều sinh viên khác. Cả một đại binh đoàn sinh viên trên toàn quốc được tăng cường cho mặt trận Quảng Trị, với nhiều đợt tuyển quân cuối năm 1971, đầu năm 1972. Những người lính sinh viên, vai cõng nặng ba lô, tấp nập rời ga Hàng Cỏ,“Ra đi hăm hở ra đi/Vội vã nhập dòng sông đơn vị/ Những bộ áo quần thùng thình là thế/Hòa vào nhau đội hình đẹp bao nhiêu”.
Họ cùng chung lý tưởng, khi đất nước cần, gác lại bút nghiên lên đường ra trận. “Tất cả cùng hướng về Quảng Trị/Tất cả đều nhận cảm những gì lớn lao Tổ quốc đặt nặng vai thế hệ/Biết ra đi rất có thể không về/Thì không chỉ bóng mình mà cả chính thân thể mình cũng thế/Sẽ hòa vào cát trắng vô danh/Sẽ lặng im như hạt cát chân thành” (Màu Quảng Trị). Để rồi, mùa hè đỏ lửa năm 1972, máu nhuộm đỏ mảnh đất này, màu đỏ tưởng như “Chẳng thể nào đỏ hơn được nữa” và “Những giọt máu trắng trong đỏ tươi/Nhuộm đỏ Hiền Lương, sông Hiếu, Thạch Hãn/Nhuộm đỏ cả trời, xanh/Nhuộm đỏ sang cả Paris bàn đàm phán bốn bên/Nhuộm đỏ cả những đoàn biểu tình đất Mỹ/Nhuộm đỏ vào ý chí/Nhuộm đỏ thời gian nhuộm đỏ không gian” (Màu Quảng Trị).
Vào Quảng Trị, Nguyễn Thụy Kha được điều về đại đội 6 anh hùng của một đơn vị Thông tin, phục vụ trực tiếp cho chiến dịch.
Mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, anh suýt chết nhiều lần. Có lần, khi cùng đồng đội đưa đường dây qua đường 9 ở vùng suối La La, bị máy bay trinh sát OV10 đuổi. Ngay sau đó B52 đến rải thảm. Một cuộc chạy đua để giành lấy sự sống, anh đã thoát chết trong gang tấc.
Đây cũng chính là thời kỳ Nguyễn Thụy Kha thất lạc tin với người yêu đầu tiên. Khi anh trở về, mừng vui vì anh còn sống nhưng đò đã sang sông, cả hai chôn chặt mối tình vào câm lặng. “Đấy là sự khốc liệt của chiến tranh”, anh nói. Một lần, khi chở người yêu (mới) đi chơi, không biết thế nào vòng xe của anh lại ngang qua nhà người yêu cũ. Cơn mưa bất chợt ban trưa đã đưa anh về những cảm xúc tình đầu. “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Thấy hồn mình tách thành hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa” (Không đề). Bài thơ được biết bao thế hệ học trò chép vào sổ tay làm kỷ niệm.
Những năm tháng trải nghiệm trong những cuộc chiến khốc liệt đã tạo thành nguồn xúc cảm với nhiều dồn nén, những khối tích tụ. Những dòng thơ của anh, những lời nói của người từng đi qua cuộc chiến bây giờ vẫn bỏng rát một nỗi niềm: “Hà Nội-tháng Chạp này không giống trời nước khác… Trong vời vợi cao xanh trong thản nhiên xanh đông lạnh/Lặng lẽ âm thầm nấu nung căm hận/Để bùng lên sức nóng vô cùng/Để sấm chớp để bão giông/Quật rơi rụng những cánh diều hâu tàn ác/Quật tan tác những âm mưu hiểm độc/Trước sống còn của dân tộc đồng bào/Trước tồn vong mà thời đại đã trao/Trên trời thiêng thủ đô yêu dấu” (Hà Nội - Tháng Chạp nóng).
Những trường ca tiếp theo tiếp nối mạch nguồn cảm xúc ấy, cháy ngọn lửa của lòng yêu nước, là sự trắc ẩn của một nhà thơ-người lính từng qua thời kỳ binh lửa. Trường trường, lớp lớp tâm tư với những dư âm vang vọng, toàn bộ không gian với nhiều sự đan xen, với nhiều hy sinh, sự dâng hiến, rất nhiều sự dấn thân. “Tổng kết” bằng thơ cả một thời kỳ lịch sử, cũng là một lần nữa nhìn lại một thời kỳ lịch sử của dân tộc, mà ở đó sự hy sinh của nhiều thế cha anh đã góp phần tạo nên một dân tộc anh hùng và mỗi con người trong dòng sông lịch sử ấy đã hoàn thành sứ mệnh của họ.
Những hợp xướng cho trường ca
Nguyễn Thụy Kha là một trong số ít nghệ sĩ vừa làm thơ, vừa viết nhạc, vừa viết văn xuôi. Anh cứ lặng lẽ làm và lặng lẽ tỏa sáng. Đọc bộ trường ca ngắn - kịch thơ, ngoài âm hưởng bi hùng của thể loại trường ca, còn như thấy ngàn ngàn lớp sóng nhạc ngân nga cộng hưởng. Lợi thế của người nhạc sĩ, tâm hồn của người viết nhạc đã khiến cho những trang thơ Nguyễn Thụy Kha trở nên mềm mại, cuốn hút. Đọc trường ca “Biến tấu Souliko” khó có thể không nghe lại khúc dân ca Grudia, với những giai điệu du dương êm đềm: “Bao đêm ngày tôi đi kiếm tìm quanh/nơi nao người tôi yêu nấm mồ xanh/lang thang tìm không thấy tôi đi cho đến bây giờ/chín suối em hay chăng Souliko”.
Vì vậy, không hề giấu giếm, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha “khoe” rằng, nhiều trường ca trong bộ trường ca - kịch thơ này đã được anh viết thành hợp xướng. Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 vừa rồi ở thành phố mang tên Bác, hợp xướng “Điện Biên” được rút từ trường ca “Lòng chảo” của anh đã được trình diễn trong chương trình “Vinh quang Điện Biên”. “Vết đứt gẫy địa tầng/chiếc lưỡi cưa trời cưa đôi đại ngàn/rạch ra đất Nậm Rốn/và cánh đồng Mường Thanh/trườn lên trảng cỏ tranh/âm thầm ven Tây Bắc/lòng chảo/nơi thời gian phải lòng không gian/nơi không gian giao hoan thời gian/” (Lòng chảo)… Những ca từ, thanh âm dội vào ký ức nhắc nhớ thời kỳ oanh liệt.
Còn với trường ca “Màu Quảng Trị” thì anh có hợp xướng “Quảng Trị miền Cát trắng”; hợp xướng “Sóng Rừng thông” rút từ trường ca “Gió Tây Nguyên” (dự kiến sang năm sẽ dựng). Kịch thơ duy nhất “Tình làng” trong bộ trường ca - kịch thơ của anh cũng vừa được nhạc sĩ Doãn Nho dựng thành vở opera “Câu chuyện tình yêu”.
Gần hai mươi năm trong quân ngũ, kể từ khi phục viên, Nguyễn Thụy Kha còn lao động cật lực hơn rất nhiều. Anh chỉ muốn mình có thể làm nhiều hơn, cả phần việc của những đồng đội, những người từng cùng anh một thời Quảng Trị, một thời đường Trường Sơn, một thời Buôn Ma Thuột, một thời chiến tranh biên giới, họ đã không trở về. Thế nên, mỗi ngày anh viết vài trang, như con kiến tha lâu đầy tổ. Sống hết mình và hồn nhiên, không bon chen, đố kỵ, không đòi hỏi. Chấp nhận thua thiệt để được là chính mình. Đó cũng là cách để anh lấy cảm hứng và nuôi dưỡng cảm xúc cho những sáng tác của mình.
Bài và ảnh: Xuân Phong