Văn hóa phát huy hơn nữa sứ mệnh “soi đường quốc dân đi”

Mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả thế giới đã biết đến đất nước Việt Nam từ những ngày tháng 9 lịch sử của 70 năm trước. Cũng từ thời điểm đó, nhiều bộ, ngành trong bộ máy của Chính phủ đã ra đời, trong đó có ngành văn hóa. Sự phát triển của ngành văn hóa trong 70 năm qua không tách rời lịch sử cách mạng và dân tộc với sứ mệnh "soi đường quốc dân đi".

Ca sĩ Uyên Linh biểu diễn ca khúc "Một rừng cây một đời người" tối 23/8 tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám trong chương trình “Ngày hội âm nhạc mùa thu 2015”. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


* Tạo sức mạnh tinh thần cho nhân dân

Cách đây 70 năm, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập nội các quốc gia với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền. Sau đó rất nhiều lần, Bộ Thông tin, Tuyên truyền được đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. 

Đến tận tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ quyết định lập Bộ Tuyên truyền; kỳ họp thứ 5, ngày 20/9/1955, Quốc hội khóa I thông qua thành phần Chính phủ mới, Bộ Tuyên truyền được đổi thành Bộ Văn hóa. 

Từ đó đến nay, tổ chức, bộ máy của bộ tiếp tục được sắp xếp lại thành: Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Văn hóa; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Bộ Văn hóa - Thông tin; từ ngày 31/7/2007 đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong 70 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của ngành văn hóa cũng trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách và không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động giữ vị trí hàng đầu trong 5 bước công tác cách mạng theo phương châm: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Trong thư gửi các họa sỹ nhân triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. 

Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, vô cùng gian khổ, song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa. Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam thời kì đó đã đi theo kháng chiến, xứng đáng là những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”, đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, nâng công tác tuyên truyền thành nghệ thuật. Hoạt động văn hóa trở thành sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần tạo nên sức mạnh giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), văn hóa-nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của miền Bắc. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các văn nghệ sỹ đã hăng hái tham gia cuộc trường chinh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình thành nên một thế hệ nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ - chiến sỹ, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa đem tài năng của mình phục vụ cho bộ đội trên các chiến trường. Nổi bật lên trong thời kỳ này là các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. 

Ở miền Nam, văn hóa, văn nghệ trở thành trận tuyến đầy cam go, nơi các văn nghệ sỹ hàng ngày hàng giờ phải hoạt động trước họng súng của quân thù. Hai mươi mốt năm chiến đấu và chiến thắng, các thế hệ nghệ sỹ - chiến sỹ hai miền Nam - Bắc đã tạc vào lịch sử tượng đài bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng ngời lên chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và ước vọng cháy bỏng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Nhiều nghệ sỹ-chiến sỹ đã ngã xuống. Sự hy sinh quên mình của các chị, các anh đã tô thắm hơn trang sử vẻ vang của ngành, góp phần xứng đáng cho mùa xuân đại thắng năm 1975 của dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất và những năm đầu đổi mới, trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận và ảnh hưởng từ sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, hoạt động văn hóa - nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ngày 31/7/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ từng bước được kiện toàn, với 22 đơn vị quản lý nhà nước, 61 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. 

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, thể chế văn hóa tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực hoạt động ngành ngày càng gắn kết, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, nghệ thuật ngày càng mở rộng và đa dạng, làm lan tỏa các giá trị văn hóa. 

Thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến. Với những thành tích đã đạt được, ngành văn hóa vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

* Xây dựng hệ giá trị văn hóa mới hướng tới chân - thiện - mĩ

Đánh giá về chặng đường 70 năm trưởng thành và phát triển của ngành văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành luôn nỗ lực làm tròn sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa văn nghệ là vũ khí, là sợi dây tinh thần kết nối giữa hậu phương với tiền tuyến. Trong hòa bình, văn hóa là động lực phát huy nguồn lực của đất nước, là sức hấp dẫn và lợi thế trong hợp tác, hội nhập quốc tế. 

Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ của toàn xã hội, của mỗi con người Việt Nam, mà trước hết là ngành văn hóa. Xã hội hiện có không ít những biểu hiện lệch lạc về văn hóa và sẽ gia tăng nếu không được kịp thời ngăn chặn.

Toàn ngành văn hóa đã xác định trong tình hình mới cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị. Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay, văn hóa phải phát huy hơn nữa sứ mệnh “soi đường quốc dân đi”, xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, hướng con người đến chân-thiện-mỹ, trở thành điểm tựa tinh thần và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của toàn xã hội, là bản sắc của dân tộc thời kì hội nhập. Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã ra đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trên cơ sở kế thừa những quan điểm, chủ trương, nội dung và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua. 

Nghị quyết này thể hiện sự đổi mới và đột phá của Đảng trong tư duy về xây dựng, phát triển văn hóa, con người phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Trong đó Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh luận điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã khẳng định: Từ mục tiêu, quan điểm đến hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 33-NQ/TW đã thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng về văn hóa trước bối cảnh phát triển đất nước và yêu cầu của hội nhập toàn diện. 

Nếu được triển khai đồng bộ từ khâu quán triệt, nhận thức, đến hành động, đặc biệt với sự đổi mới tư duy về văn hóa, con người, Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống, là kim chỉ nam cho mọi mục tiêu, hành động vì văn hóa, con người, từ văn hóa, con người, để thực sự “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Nghị quyết có nhấn mạnh nội dung phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Để thực hiện điều này, thời gian gần đây, ngành văn hóa đã hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách mới, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân lao động sáng tạo nghệ thuật. 

Có thể kể đến những đổi mới từ Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã tháo gỡ phần nào bất cập trong việc chi trả nhuận bút. 

Đây là căn cứ pháp lý để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật giải quyết nhuận bút cho lực lượng sáng tạo một cách xứng đáng, đảm bảo quyền lợi cho các thành phần sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng góp phần giúp các nghệ sĩ yên tâm sáng tạo...

Thanh Giang (TTXVN)
“Cốt cách văn hóa doanh nghiệp – nền móng cho sự phát triển bền vững”
“Cốt cách văn hóa doanh nghiệp – nền móng cho sự phát triển bền vững”

Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế CETAI - Câu lạc bộ các Nhà Công thương Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam... tổ chức chương trình “Cốt cách Văn hóa Doanh nghiệp - Nền tảng cho sự phát triển bền vững".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN