Văn hóa giao tiếp khi công nghệ lên ngôi - Bài 1

Một cuộc hẹn, 4 người 4 điện thoại, chúi đầu vào đó, không ai nói gì với ai. Những cốc nước lạnh ngắt. Không gian lạnh ngắt. Tình cảm cũng lạnh ngắt. Điều ấy giờ đây không hề thiếu. Vâng, văn hóa giao tiếp đã ngày càng lạnh ngắt khi công nghệ đã lên ngôi!

Bài 1: Những cuộc hẹn hò... câm

Đặt phịch cái túi lên bàn, ngồi soạt xuống ghế, An Trang quay sang bức xúc kể: “Chị có từng thấy cảnh này chưa, ăn hỏi bạn em, trong khi ông chú nó đang phát biểu rất tâm huyết, thì em quay sang thấy chú rể đang check facebook. Tức không thể chịu nổi, coi thường đến thế là thôi, thiếu tôn trọng người lớn đã đành, còn coi thường ngay cả cái ngày trọng đại của đời mình nữa”.

Chàng chú rể trong câu chuyện này là một dân phượt khá nổi tiếng trong xã hội, phụ trách một trang web về phượt cũng khá nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Cuộc sống của anh chàng vì thế cũng online thường xuyên, mọi thông tin đều được cập nhật cho đội ngũ friendlist đông đảo còn vào like, comment tán chuyện. Rất nhiều lần, khi đi chơi cùng người yêu (giờ là vợ sắp cưới), anh cũng khiến cô giận điên đảo vì thay cho việc trò chuyện với nhau, hay chí ít là bộc lộ những tình cảm nhớ nhung (họ không phải lúc nào cũng có thời gian bên nhau, vì anh chàng còn phải dành thời gian cho công việc riêng và cộng đồng phượt của mình), thì anh lại ôm chằm chằm cái điện thoại, hí húi trò chuyện với bạn bè trên mạng, hoặc thỉnh thoảng cười rất sướng một mình. “Lúc đó, thấy mình như người thừa, uất lắm, chẳng lẽ đứng dậy xách túi đi về, nhiều hôm vì nghĩ tới thời gian bên nhau mà đành nuốt giận làm lành”, cô vợ sắp cưới chia sẻ.

Những con người “quên giao tiếp” khi công nghệ lên ngôi. Ảnh: Việt Báo


Đó chỉ là một ví dụ rất và rất điển hình trong văn hóa của các cuộc giao tiếp hiện nay của con người, khi công nghệ - hay gọi nôm na hơn là smartphone đã ngày càng trở nên phổ biến và thành một vật không thể thiếu của mỗi người, cần hơn cả cơm ăn, áo mặc. Không hiểu có phải vì cộng đồng ảo thì đông đảo hơn, chém gió dễ hơn, nhiều chuyện để “buôn”, để bàn, để tranh luận hơn hay không, nhưng rất nhiều cuộc trò chuyện, gặp gỡ hiện nay đã biến thành những cuộc gặp “câm” hay là cuộc gặp của những chiếc smartphone.

Cuộc gặp “câm” bởi trong cuộc gặp ấy, những người gặp nhau thường im lặng - điều quá vô lý cho một cuộc gặp gỡ, trao đổi, hẹn hò theo truyền thống đúng không. Cuộc gặp của những chiếc smartphone bởi ai cũng chúi vào cái điện thoại, ipad, check thông tin, chat với bạn bè ảo và quên bẵng luôn cái người đang ngồi trước mặt mình.

Cuộc hẹn hò của một đôi bạn cũng gọi là khá thân, vào một sáng mùa thu rất đẹp, trong một quán cà phê cũng rất lãng mạn - là một minh chứng. Rõ ràng, họ có nhu cầu gặp nhau (không có nhu cầu thì hẹn nhau làm gì nhỉ), có nhu cầu cùng nhau thưởng thức hương cà phê số 4 thơm tới nao lòng và có nhu cầu trò chuyện với nhau những câu chuyện có thể sẽ miên man mãi chả hết (như lâu nay vẫn thế). Đó là ý tưởng ban đầu của họ khi hẹn và nhận lời hẹn. Nhưng vào tới quán, sau một nụ cười và hai ba câu xã giao hỏi han, thì người được hẹn rút cái Sony của mình ra, vuốt lấy vuốt để, xuýt xoa khoe với bạn thông tin mới trên mạng như thịt gà rán thấy bảo có dòi, cây cầu Đông Trù đã khánh thành rồi... vân vân và vân vân. Tất nhiên, đó vẫn còn là có giao tiếp. Nhưng chỉ chừng dăm phút sau đó, thì chúi hoàn toàn vào việc chat, comment trên facebook, thỉnh thoảng cười rất bí hiểm. Người hẹn, đầu tiên cảm thấy tặc lưỡi cam chịu; sau đó vấn vương ý nghĩ mình vô duyên hay sao ấy nhỉ, hẹn hò một người không muốn trò chuyện với mình; rồi sau đó, chán nản... cũng lôi điện thoại ra và hí húi việc riêng. Không gian thế là lạnh ngắt, cuộc trò chuyện tất nhiên cũng lạnh ngắt, hai ly cà phê đá đang tự tan chảy cũng lạnh ngắt. Và cuộc hẹn hò lạnh ngắt ấy kết thúc sau đó chừng 30 phút, đường ai nấy đi...

Không biết họ sẽ còn tiếp tục hẹn hò với nhau nữa không, nhưng giả định rằng có, thì chưa chắc cuộc hẹn hò tiếp theo sẽ ấm áp hơn như thế. Bởi xã hội chúng ta giờ đây là thế; các cuộc hẹn hò đều trở nên kiệm lời. Cuộc hẹn 2 người, cuộc hẹn 4 người cũng thế. Chỉ cần lướt qua những quán cà phê sáng, trưa, chiều, tối... đều sẽ thấy cảnh ấy, cảnh những người ngồi cùng bàn, nhưng mỗi người mông lung ở một thế giới riêng, có trò chuyện với nhau, cũng rất nhẩm nhẳng. Đâu còn cảnh những câu chuyện tuôn trào, những sẻ chia, những niềm vui trong cuộc trò chuyện lan trong không gian, thậm chí khiến những người xung quanh cũng thấy vui lây. “Trước đây, tôi từng sợ những đám khách tới quán quá ồn ào, trò chuyện tranh nhau nói; nhưng giờ tôi lại sợ cảnh cả quán như một lớp học nghiêm túc, ai cũng lặng yên, một tiếng cười cũng thấy hiếm hoi; vì tất cả đều cắm cúi việc riêng. Quán xá, ít nhiều cũng nên là nơi dành cho cộng đồng, cho những gặp gỡ, giao tiếp. Chứ như bây giờ, người check điện thoại, người ôm ipad, người chăm chú gõ máy tính; buồn lắm. Ngay tôi giờ cũng “nhiễm bệnh” rồi, cũng ôm điện thoại để check thông tin khi quán vắng khách”, chị Hoàng Oanh, một chủ quán cà phê chia sẻ.

Và không chỉ là chuyện của quán cà phê, chuyện của những cuộc gặp gỡ bạn bè, chuyện phiếm; nhiều cuộc họp, nhiều hoạt động quan trọng, giờ cũng thành cuộc gặp của công nghệ tương tự như vậy. Đến một cuộc hội nghị hiện nay, nếu dành thời gian đếm, sẽ thấy ít nhất 50%, thậm chí 70% đang check mạng. Còn nhớ cảnh một cô hoa hậu ngồi trên bàn giám khảo cuộc thi nhan sắc quốc gia, nhưng thay vì chấm điểm, lại hí hoáy chụp ảnh “tự sướng” và up lên mạng; khiến những giám khảo có tuổi bên cạnh vô cùng khó chịu. Còn nhớ cảnh một lễ kỷ niệm 50 năm của một công ty, đầu tư chương trình rất công phu, nhưng khách đến dự chả ai chịu nghe chủ tọa nói gì, thay vì đó giơ điện thoại, ipad lên để “selfie” (chụp ảnh) và check - in facebook. Còn nhớ một cuộc họp cơ quan, khi kết thúc cuộc họp im phăng phắc, ông sếp nói tới “rã cả miệng” quay sang chua chát đùa với nhân viên: “Tôi đố các cậu, hôm nay chúng ta họp về nội dung gì?”. Trong khi nhân viên ngơ ngác, ông liền nói: “Chém, bởi tất cả đều chúi đầu vào chém gió trên mạng”. Đám nhân viên, khi ấy mới bẽn lẽn bỏ điện thoại xuống, ngượng nghịu.

Vẫn nhớ cái câu của ông cha ta “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vẫn nhớ hình ảnh những khăn mỏ quạ, răng đen tươi cười quây quần bên nhau, chuyện trò không ngớt. Cuộc sống con người, dẫu gì vẫn cần phải có những sự giao tiếp, cần có sự đổi trao để có thể cảm thấy gần nhau hơn, hiểu nhau, thân nhau hơn, muốn gặp gỡ và gặp lại nhau hơn. Thế nhưng giờ đây, với việc “toàn dân” kiệm lời giao tiếp trực tiếp với nhau, để tuôn trào những khen chê trên mạng - quả thật thấy đáng lo ngại cho văn hóa giao tiếp của chúng ta.


Nhóm phóng viên

Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài 1
Xây dựng văn hóa cộng đồng mạng - Bài 1

Yên ắng và hiền hòa thì không phải là bản chất của cộng đồng mạng nói chung và các group trên cộng đồng mạng nói riêng. Phải có “sóng”, phải có tranh luận, có “lời ném qua, tiếng ném lại” thì mới rôm rả, mới nhiều người quan tâm và tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN