Văn hóa chợ của người vùng cao

Người vùng cao sống giữa núi rừng, địa bàn rộng lớn, với phương thức tự cung tự cấp là chính, bởi vậy chợ có những nét đặc thù riêng.


Chợ của người vùng cao Việt Nam trước hết cũng là nơi trao đổi, mua bán. Những sản phẩm của lao động trở thành hàng hóa, từ những sản phẩm tự tay làm ra như: lúa, ngô, khoai, sắn, cho đến những sản vật khai thác của tự nhiên như: chim, thú rừng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong... Đến nay nhiều dân tộc vẫn giữ được nét văn hóa cổ rất độc đáo. Dân tộc Mông và dân tộc Thái ở Tây Bắc, vẫn thường nói: “Chia cho nhau về làm giống” mỗi khi đến nhà hoặc đến chợ mua trâu, lợn, gà hoặc hạt giống. Người bán cũng thấy nhẹ nhõm vì ngoài giá trị vật chất được đánh giá đúng mức, thì vẫn ẩn chứa cái tình, cái nghĩa, san sẻ giúp nhau.


Gặp nhau phiên chợ.


Người vùng cao vốn chân thật, hào sảng, một lời nói ra như dao chém đá, ưng cái bụng thì bán, thậm chí cho không, không nói thách, không mặc cả, khi không ưng thì dù trả đắt mấy cũng không bán. Bây giờ khi có dịp đến các chợ của người vùng cao Tây Bắc du khách vô cùng thích thú khi thấy sự đa dạng về hàng hóa cùng những sắc màu của thổ cẩm, đặc biệt là tình người đằm thắm, chân thật. Chợ góp phần thúc đẩy sản xuất, thay đổi thói quen tự cung tự cấp, đa dạng hóa các ngành nghề và điều đó có tác dụng trở lại, làm cho chợ ngày càng phong phú hơn các mặt hàng.


Tình cảm nồng hậu


Cũng do làng, bản và các gia đình của người vùng cao xa nhau, hàng ngày mọi người đều bận rộn, ít có điều kiện giao lưu, thăm hỏi nên chợ cũng là nơi gặp gỡ của bạn bè và hẹn hò của những đôi trai gái.


Mỗi phiên chợ đều tạo nên một niềm vui, một sự chờ đợi, thấp thỏm của tất cả mọi người. Các bà, các mẹ, các chị tất bật chuẩn bị hàng hóa. Các chàng trai dạo thử một điệu khèn, mộng mơ trong một tiếng sáo vút cao. Các cô gái ướm đàn môi, thì thầm khúc tình ca mượt mà tình tứ, má đào thoáng ửng hồng nhớ lời hò hẹn phiên chợ hôm nao. Còn lũ trẻ mong ngày xuống chợ với một sự thích thú đặc biệt. Mọi người đều diện bộ quần áo đẹp nhất như đi dự hội. Những nhà xa chợ, mọi người dậy sớm từ tinh mơ gùi hàng, dắt ngựa, đốt đuốc náo nức như đi dự hội. Những nhà quá xa ngủ nhờ nhà bạn từ chiều hôm trước. Phiên chợ nhộn nhịp với những tiếng chào hỏi vồn vã nồng hậu, tay bắt mặt mừng.


Các chị em hỏi thăm nhau việc nội trợ, sức khỏe con cái, khoe chiếc khăn mới thêu. Các cô gái thì thầm chuyện riêng tư, ánh mắt liếc nhanh về phía các chàng trai, đấm nhẹ vào vai nhau cười khúc khích. Còn các chàng trai người mang khèn, người khoe lồng chim họa mi, nói cười hào sảng. Một trong những cái thú khi đi chợ là ngoài mua sắm những vật dụng cần thiết là được cùng nhau thưởng thức những món ăn ưa thích.


Phụ nữ thường rủ nhau ăn phở, ăn kem, dù đã mang theo cơm nắm. Còn cánh đàn ông lại rất ưa thích món thắng cố, họ cùng nhau nâng chén chúc cho tình bền chặt, có khi mải vui say ngả nghiêng cả đất trời, những người vợ dân tộc Mông nhẫn nại đứng che ô cho chồng mà lây cả niềm vui bè bạn. Tan chợ có người quá chén được đặt nằm vắt ngang trên lưng ngựa, người vợ đi sau tay cầm đuôi ngựa vượt dốc. Mọi người lưu luyến chia tay, hẹn phiên chợ sau.


Nơi hẹn hò


Chợ của người vùng cao Tây Bắc cũng là nơi hò hẹn của bao đôi lứa. Với những đôi đã từng gặp nhau trong hội “Sài sán” (hội chơi núi đầu xuân của người Mông), những đêm “hạn khuống” (còn gọi là sàn hoa - nơi trai gái người Thái hát đối đáp giao duyên), hay trong những phiên chợ trước. Chợ đã trở thành nơi hò hẹn gặp gỡ. Có cô gái nào cầm lòng được trước tình cảm chân thành của chàng trai gửi trong tiếng sáo: “Tay em biết cầm kim khâu áo/Anh yêu em/Em không có lòng thì thôi/ Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm/Tay em biết xe sợi chỉ đen/ Em không có lòng thì thôi/Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày” (dân ca Mông). Cô gái trái tim xao xuyến gửi lòng qua tiếng đàn môi: “Yêu anh em dệt khăn này/Lòng em nhớ người em tặng/Dù xa nhau bao ngày khăn bên người”. Họ hẹn nhau: “Em chờ anh đến ngày anh trồng lúa/Trồng xong nương ngô em đón anh về”. Nhiều đôi nên vợ nên chồng. Chợ thành địa chỉ đỏ cho bao đôi lứa.


Rồi còn những chợ mà đến đó việc mua bán hàng hóa không phải là chính, bởi đó là nơi gặp gỡ, hẹn hò tìm hiểu của những lứa đôi như chợ tình Sa Pa - Lào Cai. Đến hẹn, trai gái các bản Mông trên các triền núi cao lại gặp nhau. Tiếng sáo, tiếng đàn môi da diết thay lời bày tỏ. Khi hai trái tim cùng rung lên một cung đàn thánh thiện của tình yêu, họ sẽ cùng mùa xuân hẹn ngày xây tổ ấm.


Còn chợ tình Khau Vai ở Mèo Vạc - Hà Giang lại dành cho những đôi đã từng yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Hàng năm chợ họp một lần duy nhất vào mùa xuân, ngày 27/3 âm. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời yêu, chia sẻ với nhau những buồn vui của cuộc sống gia đình hiện tại. Phiên chợ nhiều niềm vui nhưng cũng đầy nước mắt của sự tiếc nuối, xót xa. Nhưng rồi họ vẫn động viên nhau sống tốt, vun vén cho gia đình. Chia tay trong bịn rịn, hẹn mùa xuân sau, mỗi người càng yêu hơn những gì mình đã có, để rồi càng biết trân trọng nâng niu từng hạt mầm hạnh phúc. Cao đẹp và nhân ái biết bao.


Phiên chợ của người vùng cao Việt Nam như thế đó, dẫu có mang sắc màu của vùng miền và sự đa dân tộc, nhưng thật giản dị và nồng hậu như chính những con người cần cù, dũng cảm sống giữa trời mây non nước thân yêu.



Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN