Tiết mục nghệ thuật chào mừng trong lễ bế mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2024. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đa dạng hóa trải nghiệm cho khán giả
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch, trong thế kỷ 21, công nghệ đã làm thay đổi cách nhìn, phương pháp, hình thức thể hiện cũng như góp phần quan trọng giúp cho nghệ thuật biểu diễn lan tỏa giá trị, tạo sự đa dạng về hình thức tiếp cận, thu hút nhiều hơn mọi tầng lớp khán giả ở các môi trường, không gian khác nhau.
Hiện nay, hàng trăm phần mềm từ đơn giản đến phức tạp được phát triển, đang tạo nên nhiều sự lựa chọn cho đội ngũ sáng tạo nghệ thuật. Công nghệ đã tạo ra nhiều hiệu ứng, hiệu quả mới. Nhiều thể loại, hình thức nghệ thuật được hưởng lợi, có triển vọng để phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài.
Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, công nghệ không chỉ thu hút người xem, còn góp phần quan trọng vào sáng tạo các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Nhiều chương trình nghệ thuật đã thể hiện được thế mạnh khi có sự đầu tư về mặt công nghệ, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa, đem đến trải nghiệm phong phú cho khán giả; có sự cộng hưởng giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn được coi là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống là vấn đề cần được tập trung thực hiện.
Tiến sỹ nghệ thuật Cao Xuân Ngọc cho rằng, kỹ thuật số đã làm biến đổi quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật, đặc biệt là tạo ra sự thay đổi về mối tương tác nhiều chiều trong chuỗi tác động qua lại giữa người sáng tạo - tác phẩm - người thưởng thức. Trước khi có sự can thiệp của công nghệ, sự trình bày mỹ thuật trên sàn diễn chủ yếu là phông phi, bục bệ... Phần lớn cách dàn dựng cũ khiến cảnh trí bị phụ thuộc vào bục bệ nặng nề, những tấm phông hậu phải kéo, phải rút thả; âm thanh thanh thì sử dụng những chiếc micro treo cố định… trói buộc rất nhiều sự sáng tạo của các nghệ sỹ. Với thời kỳ bùng nổ của khoa học kỹ thuật, việc áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo nghệ thuật biểu diễn đã trở thành yêu cầu mang tính cấp bách, bắt buộc, bởi khán giả ngày nay có những đòi hỏi khắt khe hơn với yêu cầu cao về kỹ thuật diễn cũng như sự công phu trong công nghệ kết hợp để đẩy mạnh yếu tố thị giác... Chưa kể, trong cách mạng công nghệ mới, những thành tựu của khoa học chắp cánh cho người sáng tạo thỏa sức bay trong bầu trời nghệ thuật, nếu biết vận dụng những món quà mà thời đại mới mang tới.
Những màn hình LED với khả năng đổi cảnh nhanh chóng, màu sắc rực rỡ thay thế cho những chiếc phông hậu được vẽ sơn trên phông màn, đôi lúc không nghiêm ngắn, không thẩm mỹ. Với công nghệ mới, đạo diễn kiểm soát được hình ảnh ở từng giây, phối hợp chặt chẽ với diễn xuất của diễn viên. Việc diễn xuất của các diễn viên kết hợp chặt chẽ với màn hình, đôi khi tương tác với những tình huống được chiếu trên màn hình đã thực sự tạo ra hiệu quả thẩm mỹ cao như các vở diễn, các vở kịch múa, nhạc kịch gần đây.
Tiến sỹ Cao Xuân Ngọc dẫn chứng, đã có rất nhiều ví dụ dành cho việc áp dụng tốt công nghệ số cho biểu diễn như chương trình Ionah, kết hợp nhuyễn tới mức đúng từng nốt nhạc giữa diễn viên với khung cảnh của màn hình cong đang trình chiếu. Những biểu cảm của diễn viên ở từng trường đoạn, phối kết hợp nhuần nhuyễn, ăn săm với cảnh thiết kế điện tử... đem lại hiệu ứng thẩm mỹ rất tốt cho người xem.
Hay chương trình hầu đồng Tứ phủ của nhóm xã hội hóa, do đạo diễn Việt Tú khai thác sở dĩ đứng vững được cả chục năm tại Hà Nội cũng nhờ rất nhiều vào tiết tấu có sự ăn khớp kỳ diệu giữa người diễn và cảnh tái tạo ở màn hình... Nhiều nhà hát cải lương ở phía Bắc cũng đã chú trọng tới việc kết hợp những hình ảnh với cách thức biểu diễn, mở rộng thêm cho không gian, thời gian nghệ thuật biểu đạt. Những vở được đầu tư lớn như “Hừng Đông”, “Mai Hắc Đế”... của Nhà hát cải lương Việt Nam cũng đã phối kết hợp để thể hiện những cảnh diễn mà trước đây phải đẩy vào hậu trường, bởi không thể diễn tả trên sàn diễn mà đem lại hiệu quả tốt được.
Gần đây, những chương trình mang tính sự kiện lớn nhân các dịp kỷ niệm của các tổng đạo diễn có tài năng, có được nhận thức về hiệu quả, vai trò của công nghệ số đã thành công, đem tới những ấn tượng sâu đậm cho người xem. Đó là những chương trình nghệ thuật thực cảnh, bán thực cảnh, sân khấu hóa sự kiện... Sự hiện diện của những công nghệ như 3D Mapping, Hologram, hệ thống đèn Kinetic, công nghệ màn nước kỹ thuật số, công nghệ kỹ thuật số ảo mở rộng... được áp dụng đã đem tới khả năng vô vàn cho nghệ thuật biểu diễn, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng, hấp dẫn cho người thưởng thức.
Công nghệ tạo cơ hội cho nghệ sỹ sáng tạo
Tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ Tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X – năm 2025. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tiến sỹ Trần Thị Minh Thu (Trưởng Ban Nghiên cứu nghệ thuật - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cho rằng, công nghệ đã tạo sự thay đổi và phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mở ra nhiều cơ hội mới cho sáng tạo, sản xuất, phân phối và trải nghiệm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và công nghệ 4.0 đã cho ra đời những sản phẩm, trải nghiệm độc đáo, mang tính tương tác, cá nhân hóa cao, mà trước đây khó có thể thực hiện được, cho phép khán giả đắm chìm trong không gian biểu diễn như thật, tạo nhiều hiệu ứng sống động, cuốn hút người xem.
Tuy nhiên Tiến sỹ Trần Thị Minh Thu thừa nhận, trong thực tế, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần vì sử dụng khó, chi phí vận hành cao, phần nữa là vì cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhiều đơn vị nghệ thuật đã lạc hậu hoặc không được đầu tư đồng bộ… Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự kỹ thuật ở nhiều nhà hát còn chưa nắm chắc cách vận hành các công nghệ mới. Một số chương trình áp dụng công nghệ mới thì chưa đảm bảo tính nghệ thuật, tương tác, thiên về trình chiếu hình ảnh; dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thị trường công nghiệp biểu diễn ở nước ta cũng vì thế chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Việt Hà (Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là về hạ tầng công nghệ. Phần lớn các nhà hát, sân khấu đều trong tình trạng thiếu hụt thiết bị hiện đại như hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn quốc tế, màn hình trình chiếu lớn, công nghệ AR/VR, Hologram… Các đơn vị nghệ thuật hiện cũng phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực công nghệ - nghệ thuật chất lượng cao. Tâm lý e ngại đổi mới của một bộ phận nghệ sỹ, đạo diễn, nhà quản lý và việc chưa định hình rõ ràng thị trường nghệ thuật công nghệ số cũng gây ra một số khó khăn cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Từ những bất cập xuất phát từ thực tiễn, Tiến sỹ Phạm Việt Hà cho rằng, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là phải nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, nghệ sỹ, khán giả và toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ trong sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Trong đó, cần xóa bỏ tâm lý e ngại, bảo thủ cho rằng “công nghệ làm mất chất của nghệ thuật và sai lệch bản sắc văn hóa truyền thống”. Thay vào đó, nên nhìn nhận công nghệ như một công cụ hỗ trợ sáng tạo, truyền tải và mở rộng không gian biểu diễn.
Đối với giải pháp về tài chính, các chuyên gia chính sách kiến nghị Chính phủ và các tổ chức văn hóa cần có phương án cung cấp các khoản tài trợ hoặc vay ưu đãi để các đoàn nghệ thuật tiến hành đầu tư vào công nghệ. Các mô hình gọi vốn cộng đồng cũng có thể được khuyến khích. Ngoài ra, cần áp dụng chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cần xây dựng và triển khai chiến lược phát triển toàn diện. Chiến lược này không chỉ dừng lại ở việc định hướng chung cho nghệ thuật biểu diễn, còn phải chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ một cách sâu rộng và có hệ thống. Mục tiêu là tận dụng tối đa những lợi thế Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời chủ động hội nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ không chỉ mở rộng không gian sáng tạo, còn tạo động lực mới để nghệ thuật biểu diễn Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, bắt nhịp thời đại số, khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới.