Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 56 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang). Đây trở thành nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của vùng Bảy Núi An Giang, qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng mối quan hệ đoàn kết dân tộc; tạo không khí vui tươi phấn khởi, nhân dịp lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần quảng bá hình ảnh đua bò Bảy Núi đến đông đảo người dân trong nước và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình An Giang - Phó Trưởng ban Tổ chức cho biết, Hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội nông nghiệp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hội đua bò không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Búi An Giang, mà còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho bà con nông dân người dân tộc Khmer Nam Bộ sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.
Các đôi bò tham gia thi đấu được chủ bò đầu tư chăm sóc theo bí quyết riêng của mình, các “Nài bò” (người điều khiển bò) đã mải mê tập luyện từ nhiều tháng nay để có thể giành được giải thưởng cao nhất. Trước khi bước vào cuộc đua, các chủ bò bốc thăm chọn đôi bò đi trước, đi sau; thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn; nếu trong khi đua, ở vòng hô, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua, hoặc đôi bò sau dẫm lên giàn bừa (một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa) của đôi bò đi trước sẽ bị loại; nhưng đến vòng thả, đôi bò sau chỉ cần giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển bò phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa trong quá trình đua cũng xem như thua cuộc.
Bước vào tranh tài, hai đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức một vòng hô và một vòng thả (“vòng hô” - là vòng để cho các đôi bò làm quen với sân đua để lấy trớn; “vòng thả”- là khi có hiệu lênh của trọng tài, người điều khiển bò dùng cây xà-lul - là một khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn kích vào mông 2 con bò của mình, để đôi bò vận hết sức lực để băng về đích), chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Đôi bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.
Lần đầu tiên được tận mắt xem những đôi bò tranh tài, anh Nguyễn Anh Thư (ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từng xem và được nhiều người bạn kể về Hội đua bò Bảy Núi thấy rất hấp dẫn. Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, năm nay, anh cùng cả gia đình đến Tri Tôn sớm một ngày để tranh thủ tham quan cảnh đẹp và thưởng thức các món ăn đặc sản ở vùng Bảy Núi. “Được hòa vào biển người ở sân đua bò, tận mắt xem các đôi bò tranh tài cảm giác rất tuyệt vời và sảng khoái” - anh Thư chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, năm nay, ngoài Hội đua bò Bảy Núi, huyện còn tổ chức các chương trình văn nghệ, hoạt động triển lãm, quảng bá một số hình ảnh của địa phương và của tỉnh, tổ chức các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Khmer.
Bên cạnh đó, huyện Tri Tôn trưng bày các sản phẩm là đặc sản của địa phương, như: gạo sữa Bảy Núi, đường thốt nốt, tinh dầu chúc…, giới thiệu nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của vùng đất Bảy Núi, như: gà đốt Ô Thum, ếch nướng, đu đủ đâm, bò nướng… và các loại chè thốt nốt, thốt lốt sữa, bánh bò thốt nốt, bánh cà tum.
Qua 28 lần tổ chức, Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang trở thành nét văn hóa độc đáo của cộng đồng vùng Bảy Núi ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, thu hút sự quan tâm của du khách và hoạt động du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Năm 2016, Hội đua bò Bảy núi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một trong những sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật của tỉnh An Giang từ nhiều năm nay, được huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên luân phiên đăng cai tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.