Hội Nhà văn Việt Nam sẽ dịch, xuất bản và giới thiệu với các nhà văn và bạn đọc Việt Nam tuyển tập 100 bài thơ của các nhà thơ Pakistan. Thông tin trên được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết trong Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan, ngày 15/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Ngày 22/9/2024, tại thành phố New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị cho hai nhà thơ cựu binh Mỹ, những người đã có đóng góp quan trọng trong việc dịch và truyền bá văn học Việt Nam tới bạn đọc Mỹ ngay từ những năm tháng quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ còn băng giá. Sau chiến tranh, khi các chính khách, các nhà ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ không thể đến đất nước của nhau để cất tiếng nói về dân tộc mình, các nhà văn đã trở thành những sứ giả hòa bình đầu tiên của mỗi dân tộc. Văn học đã trở thành tiếng nói chính thống, tin cậy, thuyết phục để hai dân tộc có một cái nhìn đúng nhất về nhau và tiến tới một quan hệ tốt đẹp như hiện nay.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, hành động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chính là cách nhìn và tầm nhìn của người đứng đầu đất nước về sứ mệnh của văn học nói riêng, văn hóa nói chung, đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc, cũng như trong việc xua tan bóng tối, thắp lên ánh sáng trong đời sống của con người trên thế gian này.
Ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất, tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc. Lễ ký kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan là để đi đến sự hiểu biết hơn nữa những vẻ đẹp và khát vọng này.
Sau lễ ký kết Bản ghi nhớ, hai bên sẽ tổ chức các cuộc trao đổi, hội thảo và dịch thuật trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Tại sự kiện, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan Kohdayar Marri đã chia sẻ câu chuyện về lịch sử, về văn hóa và con người ở Pakistan. Bày tỏ sự vui mừng khi tham gia lễ ký kết biên bản hợp tác giữa 2 đơn vị, nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, đưa các quốc gia xích lại gần nhau, đồng thời tạo ra và củng cố mối liên kết và sự hợp tác về văn chương, kịch nghệ và thơ ca.
Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan Kohdayar Marri mong muốn, những tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn vĩ đại của đất nước Pakistan sẽ được dịch ra tiếng Việt. Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam cũng sẽ dịch, xuất bản và giới thiệu với bạn đọc tại Pakistan…
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan là một trong những bước tiến quan trọng trong sự hợp tác hữu nghị giữa nhà văn hai nước. Lĩnh vực hợp tác chính giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Pakistan ký kết bao gồm: Phối hợp tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà văn, nhà thơ, trí thức, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội và học giả hai nước theo các điều khoản thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ. Hai bên cũng phối hợp tổ chức các hội chợ sách tại mỗi nước; tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về các chủ đề cùng quan tâm trong lĩnh vực văn học tại mỗi nước theo cơ chế luân phiên. Đồng thời, tổ chức dịch và xuất bản các tác phẩm văn học của nhà văn hai nước; đăng tải thơ và các tác phẩm văn học khác lên các trang web chính thức của hai bên; tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà văn, nhà thơ và trí thức hai nước; trao các giải thưởng văn học cho các nhà văn và nhà thơ của cả hai nước…
Tại Lễ ký kết, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã tặng Đại sứ quán Pakistan và Viện Văn học Pakistan 2 tác phẩm “Sông núi trên vai” (Carrying the Moutain and River on Our Shoulders) và “Khát vọng hòa bình” (A hunger for Peace), tuyển tập thơ của các nhà thơ Việt Nam, bản tiếng Anh.
Đại sứ Kohdayar Marri đã tặng Hội Nhà văn Việt Nam 2 tác phẩm: “Poems from Iqbal” (Thơ Igbal) và “Culture and Identity” (Bản sắc và văn hóa) của nhà văn Faiz. Đây là những tên tuổi lớn của văn học Pakistan.