Nội dung vở ballet Kiều khắc họa lại hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn biến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn.
Ở mỗi phân đoạn, Kiều đánh đàn theo các cung bậc cảm xúc khác nhau, tiếng đàn có lúc thì thầm, dặt dìu, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu; và rồi thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đây cũng là tiếng lòng của chính tác giả Đại Thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ khi chọn ballet - loại hình nghệ thuật múa kinh điển để “kể” Truyện Kiều sẽ không làm khán giả thất vọng khi khắc họa Truyện Kiều trong không gian đượm chất thơ, trữ tình.
Hình tượng các nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên... thật điển hình mà lại bao hàm được tư tưởng của Nguyễn Du. Trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ái, ố, lạc, dục giúp mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.
Biên đạo múa Tuyết Minh chú trọng tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.