Trung thu 2015: Tìm về những giá trị truyền thống

Từ gia đình đến nhà trường, cộng đồng đều cố gắng đưa các em nhỏ trở về với những lễ hội Trung Thu đậm sắc màu truyền thống.


Tết Trung thu là một trong những ngày lễ được người dân Việt Nam chờ đón vào mùa Thu hàng năm, nhất là với trẻ em. Vào dịp này, trẻ em từ thành thị đến nông thôn đều được cha mẹ mua bánh kẹo, lồng đèn và đồ chơi để vui ngày hội đón trăng. Cùng với sự phát triển của kinh tế, giờ đây, những hoạt động chào đón Trung thu thường đến sớm hơn và kéo dài hơn (bắt đầu từ 15/7-15/8 âm lịch).


Đồ chơi Việt lên ngôi 


Tưởng chừng như bị lãng quên bởi sự xuất hiện ồ ạt của các loại đèn lồng Trung Quốc, vài năm gần đây, đèn lồng Việt Nam đang dần tìm lại được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng, mẫu mã đa dạng hơn. Năm nay đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng... được bày bán khá nhiều trên các khu phố chuyên bán đồ chơi trẻ em và cũng đã xuất hiện trong các siêu thị, cửa hàng. 


Tiếp theo thành công của mùa Trung thu trước, một số doanh nghiệp Việt tích cực ra mắt sản phẩm lồng đèn bằng giấy, in hình công chúa, con thú, trái cây ngộ nghĩnh… với màu sắc sặc sỡ, dễ lắp ráp nên cha mẹ có thể hướng dẫn bé tự lắp ráp. Những chiếc lồng đèn này giúp các em “vừa học vừa chơi”, phát huy khả năng sáng tạo. Giá của những chiếc đèn này cũng rất phải chăng, từ 15.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. 


Chọn đồ chơi trên "Phố Lồng đèn” tại phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can (Hà Nội) cho biết: Năm nay, các mẫu đèn lồng truyền thống do Việt Nam sản xuất chiếm 80-90% thị trường. Các sản phẩm đèn lồng của Việt Nam đẹp, phong phú và an toàn nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. 


Chị Bùi Lan Anh (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: Chị chọn mua đồ chơi trung thu của Việt Nam vì giá rẻ, an toàn, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho các con. Chị Lan Anh cũng không mua đồ chơi bạo lực hoặc một số đồ chơi nghi ngờ có chất độc gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. 


Bên cạnh việc bày bán các sản phẩm đồ chơi truyền thống, nhiều cơ quan, đơn vị còn có sáng kiến tổ chức các chương trình thu hút trẻ em tự làm đồ chơi dân gian. 


Có thể kể đến Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Dự án lần đầu tiên tổ chức tại Bảo tàng đã góp phần khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống; nâng cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Đây cũng chính là sân chơi lành mạnh, giúp các em hình thành thói quen làm việc theo nhóm. Tham gia Dự án, các em được học cách bồi mặt nạ, sử dụng bút lông, tô màu... Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được học cách phân biệt mặt nạ truyền thống của Việt Nam với mặt nạ của các quốc gia khác; tìm hiểu các loại mặt nạ sử dụng trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt. 


Tiến sĩ Trang Thanh Hiền, đại diện nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Trong số các loại hình đồ chơi Trung thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình mất nhiều thời gian, công sức nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian thường được ông bà, bố mẹ làm cho trẻ nhỏ. Sau này, việc làm mặt nạ, đồ chơi không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa. Các nghệ nhân đến mùa trăng, sẽ làm hàng loạt mặt nạ với nhiều khuôn dáng khác nhau rồi đi bán. Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi chơi Trung thu phải trải qua nhiều các công đoạn, được các nghệ nhân nắm giữ bí quyết và trao truyền. Trò chơi sáng tạo mặt nạ Việt của dự án lần này hy vọng sẽ nhận được sự yêu mến, tham gia của các em thiếu nhi cũng như cả cộng đồng. 


Sau khi kết thúc các hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Dự án sẽ tiếp tục triển khai tại các trường học, trung tâm văn hóa… một số tỉnh, thành phố để thu hút sự quan tâm của cộng đồng trước dịp Tết Trung thu. 


Tại hệ thống trường mầm non Bé Ong (Hà Nội), nhà trường có sáng kiến tổ chức lễ hội đèn lồng dành cho phụ huynh cùng các bé trong, ngoài trường. Các em nhỏ sẽ cùng bố mẹ dự một ngày hội trang trí đèn lồng đặc biệt. Tại đây, từ các nguyên vật liệu được nhà trường chuẩn bị sẵn và chiếc đèn lồng trơn, các em sẽ được thỏa sức sáng tạo chiếc đèn lồng của riêng mình, với các hình thù, họa tiết độc đáo. 



Lễ hội Trung Thu đậm sắc màu dân gian 


Mở màn cho các hoạt động của mùa Trung thu 2015 tại Hà Nội, lễ hội "Trung thu phố cổ Hà Nội 2015" được khai mạc từ khá sớm (tối 13/9 – tức 1/8 âm lịch). Lễ hội diễn ra trong không gian rộng, gồm: Chợ Trung thu Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân – Hàng Giấy và các điểm di sản văn hóa tại phố cổ Hà Nội. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, quận Hoàn Kiếm còn tổ chức nhiều hoạt động phục vụ các em thiếu nhi, tạo sự sôi động, hấp dẫn cho lễ hội. Đặc biệt, đêm hội trò chơi dân gian diễn ra vào tối 18/9 tại khu vực trước cửa chợ Đồng Xuân sẽ giới thiệu, hướng dẫn và tổ chức cho thiếu nhi chơi các trò chơi dân gian. Liên hoan múa lân, sư tử quận Hoàn Kiếm diễn ra vào tối 19/9 tại khu vực trước cửa chợ Đồng Xuân. Đêm hội rằm Trung thu phố cổ diễn ra tối 26/9 trước cửa chợ Đồng Xuân diễn ra thi bày cỗ Trung thu, thi rước đèn, vui phá cỗ trông trăng, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, xiếc, võ thuật thiếu nhi. 


Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa Tết Trung thu cổ truyền được tổ chức tại các điểm di sản văn hóa trên địa bàn quận: ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 – 44 Hàng Bạc, trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ... Các địa điểm này trưng bày, giới thiệu tư liệu hình ảnh về Tết Trung thu cổ truyền, hướng dẫn làm đồ chơi dân gian truyền thống như: đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, cua, thỏ, diều, tò he, mặt nạ…


Tại Bảo tàng Hà Nội cũng sẽ diễn ra lễ hội Trung thu 2015 với chủ đề “Rước trăng chơi phố”, vào ngày 26/9 (tức 14/8 âm lịch). Với sự kiện này, Ban tổ chức mong muốn giúp các em nhỏ thấy rõ ông trăng tròn và sáng như thế nào, cây đèn kéo quân có người chạy bên trong vui nhộn ra sao, cách làm mặt nạ, đèn ông sao, đầu sư tử, ông tiến sỹ giấy, làm bánh, đốt hạt bưởi đón trăng... Chương trình còn có nhiều hoạt động, hình thức trưng bày đón trăng theo nghi thức truyền thống. 


Một trong những điểm thu hút các em nhỏ thủ đô trong dịp Tết Trung thu hàng năm là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tại đây, mỗi năm, trẻ em lại được trải nghiệm một lễ hội Trung Thu với chủ đề riêng nhưng đều hướng về những giá trị văn hóa truyền thống. Năm nay, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức chương trình Trung thu với chủ đề “Sắc màu văn hóa Cần Thơ”, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/9 (tức 14-15/8 âm lịch). Những sắc màu văn hóa vùng sông nước Cần Thơ sẽ được giới thiệu thông qua nhiều hoạt động như: trình diễn múa hát dân gian, ẩm thực, các trò chơi dân gian... Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các dân tộc sinh sống ở Cần Thơ (Khmer, Hoa, Kinh), là cơ hội cho công chúng trực tiếp giao lưu và tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng sông nước. 


Bên cạnh giới thiệu một số nét văn hóa sông nước của Cần Thơ, như thường niên, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tiếp tục tổ chức các hoạt động khác như hướng dẫn làm đồ chơi dân gian, làm cốm theo lối cổ truyền, kể chuyện về Trung thu... Các em nhỏ có thể trải nghiệm hoạt động này với sự hướng dẫn của các chú, bác thợ thủ công. 


Có thể nói, những chương trình được tổ chức vào mùa trung thu năm nay góp phần đưa trẻ em về với Tết Trung thu truyền thống, đưa các em đến với những giấc mơ cổ tích, góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Việt Hà (TTXVN)
Bánh Trung thu kém chất lượng tràn ngập chợ quê
Bánh Trung thu kém chất lượng tràn ngập chợ quê

Dạo quanh một số chợ quê ở ngoại thành, như: Chợ Yên (xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội); chợ Kim Nỗ (Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội); chợ Nhổn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)..., chúng tôi thấy ở khu chợ nào cũng có rất nhiều sạp, gian hàng bán bánh Trung thu. Mẫu mã bánh Trung thu không đa dạng như thị trường ở thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN