Diễn văn khai hội nêu rõ: Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, Lê Lợi sau khi dẹp giặc Minh lên ngôi Hoàng đế rất chú trọng đến vùng Tây Bắc, coi đây là biên cương phên dậu trọng yếu của quốc gia. Năm 1431, Lê Lợi sai Quốc vương Lê Tư Tề và Tư Đồ Lê Sát đem quân lên Châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) đánh dẹp giặc Ai Lao, Đèo Cát Hãn. Tiếp theo mùa xuân 1432, Lê Lợi thân chinh cầm quân cùng Lê Tư Tề và Lê Sát dẹp yên giặc nước, thống nhất non sông đất nước, giải thoát đồng bào các dân tộc khỏi ách cai trị, đàn áp nặng nề của giặc nước.
Sau đại thắng, Lê Lợi cùng quân thị sát vùng biên ải núi sông hùng vĩ. Nhân ngày lành tháng tốt Lê Lợi cảm xúc bài thơ hán nôm dài 132 chữ, sai khắc vào bia đá ở hang Pú Hổi Chồ, hình chữ nhật dài 1,2m rộng 0,8m (nay thuộc xã Lê Lợi huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) để dăn dạy quan lại, phủ dụ dân chúng trung thành với Đại Việt, yên ổn làm ăn.
Lê Lợi là nhà Vua đầu tiên, triều đại nhà Lê cũng là triều đại duy nhất của các triều đại phong kiến nước ta thân chinh cầm quân dẹp loạn Lai Châu - Tây Bắc. Công ơn đức độ của Hoàng đế Lê Thái Tổ mãi mãi được đồng bào các dân tộc Lai Châu tưởng nhớ, tôn kính.
Thể theo nguyện vọng, tình cảm tâm linh của đồng bào các dân tộc, thành phố Lai Châu đã xây dựng đền thờ Vua Lê Lợi tại trung tâm văn hóa cộng đồng. Đây là công trình văn hóa tâm linh đầu tiên đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của đồng bào, để các tầng lớp nhân dân đến viếng thăm, tri ân công đức và bày tỏ tâm nguyện của mình với Hoàng đế Lê Thái Tổ và các vị phúc thần.
Đây cũng là công trình có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử truyền thống đạo lý, phong tục tập quán tín ngưỡng cao đẹp của dân tộc ta. Để giữ gìn, nâng cao phát huy giá trị của công trình, thành phố Lai Châu đã chọn ngày 12 tháng Giêng hàng năm là ngày Lễ hội đền Vua Lê. Năm 2023 là lần thứ 13 Lễ hội này được UBND phường Đoàn Kết tổ chức.
Thủ nhang Trần Văn Đông (Tự Phúc Minh) ở đền Lê Lợi cho biết, năm trước do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên không tổ chức được Lễ hội. Năm nay, Lễ hội được tổ chức nên bà con nhân dân rất phấn khởi. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc - Vua Lê Lợi. Mặt khác, có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, giáo dục các thế hệ người dân về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, thống nhất đất nước.
Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi gồm 2 phần: Phần lễ là nghi thức đánh trống khai hội, dâng hương; ở phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, kéo co, bịt mắt đánh chiêng…thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương tham gia, cổ vũ.
Ngay sau khi khai hội, đại diện các xã, phường, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu nói riêng, trong tỉnh Lai Châu nói chung tới dâng hương và bày tỏ tâm nguyện của mình với Vua Lê Lợi cùng các vị phúc thần.