Trải nghiệm phong vị Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1- 28/2/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 2 với chủ đề “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ (2025).

Chú thích ảnh
Nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày 19/1/2025. Ảnh: Trần Việt/TTXVN. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, các hoạt động “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer; cùng sự tham gia của 11 địa phương gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng.

Điểm nhấn trong các hoạt động lần này là chương trình giao lưu “Tây Bắc khi xuân về”, đồng bào các dân tộc cùng vui Tết đón Xuân, với lời ca tiếng hát, trò chơi dân gian truyền thống ngày Xuân. Theo đó, đồng bào Mông vui trong điệu khèn; đồng bào Tày, Nùng vui trong tiếng đàn Tính, hát Then; đồng bào Thái, Khơ Mú, Lào say trong tiếng nhạc rộn ràng điệu múa sạp, điệu xòe… mang đến một không khí vui tươi, ấm áp tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hoạt động tái hiện Lễ cúng giọt nước (Tết giọt nước) - một hình thức sinh hoạt văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Lễ cúng thần nước mang ý nghĩa tri ân nguồn nước đã giúp cho người dân cày cấy, gieo hạt trên nương được no đủ, đồng thời mời thần nước về ăn Tết cùng với dân làng. Đây là nghi lễ đậm chất nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Sau nghi thức tái hiện Lễ cúng giọt nước, là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống dệt vải… và ẩm thực Tây Nguyên tới du khách.

Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng đón Xuân”, với các ca khúc, tiết mục múa của Tây Nguyên. Chương trình giới thiệu tới công chúng các loại hình âm nhạc dân gian được chế tác từ tre nứa như đàn Đinh pút, Đàn tơ rưng; những tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, vòng xoang Tây Nguyên, giới thiệu nghề đan lát, nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào…

Hoạt động chúc phúc cầu an đầu năm mới Ất Tỵ - bát hội đầu Xuân tại chùa Khmer cho du khách dịp đầu năm mới.

Trong khuôn khổ các hoạt động tháng “Sắc Xuân nơi mọi miền Tổ quốc”, sẽ diễn ra trưng bày ảnh với chủ đề “Sắc màu văn hóa tại Ngôi nhà chung”, giới thiệu khoảng 30 bức ảnh về các hoạt động lễ hội, được bố trí theo các cụm, vùng miền, thể hiện sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Ê Đê tham gia gói bánh chưng tại chương trình “Bánh chưng xanh – Tết vì người nghèo” Ất Tỵ 2025 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày 19/1/2025. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bên cạnh đó, các hoạt động “Vui Tết đón Xuân” tại không gian các làng đồng bào, thể hiện các nghi thức, phong tục chúc Tết truyền thống, mang đậm sắc màu dân tộc từng vùng miền; giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa Xuân như múa xòe, nhảy sạp, múa au eo, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến; tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa ẩm thực, thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc; thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Việt Nam, để du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Đại diện Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, các hoạt động được tổ chức thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.

Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự gắn kết, tin tưởng Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào ít người…

“Tham gia các hoạt động này, du khách trong và ngoài nước có cơ hội tham dự vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, qua đó thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui Xuân đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2025”, đại diện Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ.

Phương Lan (TTXVN)
Đậm đà nét văn hoá Tết truyền thống xưa và nay tại Happy Tết 2024
Đậm đà nét văn hoá Tết truyền thống xưa và nay tại Happy Tết 2024

Tối 24/1, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức khai mạc Chương trình “Happy Tết 2024 - Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN