Nghệ thuật dân gian đã khiến cuộc đời họa sĩ Phan Ngọc Khuê (ảnh) (SN 1937) trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Lão họa sĩ thấy mình được sống một cuộc đời thật sự khi chiêm ngưỡng và học nghề từ những nghệ nhân dân gian mà ông từng gặp. Nhiều công trình nghiên cứu của ông sau này cũng là để trả “món nợ” ân tình ấy.
Học nghề qua nghệ nhân dân tộc
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê quê gốc ở Thanh Hóa, học tập và sinh sống ở Hà Nội, nhưng những năm tháng khiến ông trưởng thành, gắn bó với nghề và say mê với nghệ thuật dân gian lại là thời gian làm cán bộ văn hóa ở Sơn La.
Năm 1959, khi đất nước còn đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng trai trẻ Phan Ngọc Khuê đã có mặt ở khu Thái Mèo. Ở đây ông được gặp những nghệ nhân dân gian đầy tài năng của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Dao. Bây giờ nghĩ lại, ông vẫn phải thừa nhận rằng, chính những nghệ nhân ấy đã tiếp lửa, truyền cho ông cảm hứng sáng tạo; nguồn sống của họ đã bồi dưỡng kỹ năng nghệ thuật, bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng niềm say mê của mình.
Năm 1962, Phan Ngọc Khuê được phân công vẽ chân dung anh hùng lao động nông nghiệp Bùi Văn Bình ở xã Vàng Pè, huyện Mộc Châu. Khi đến nhà, ông thật sự bất ngờ khi gặp mẹ của Bùi Văn Bình. Bà là nghệ nhân người Dao, chuyên vẽ trang trí trên trang phục người Dao. Ông nhớ mãi những nét vẽ tài hoa của người mẹ ấy trên những thước vải với đủ màu sắc. Bà không hề qua trường lớp nào, học vẽ theo lối truyền thống của người dân tộc, cha truyền con nối, nhưng tài năng của bà thể hiện qua từng nét vẽ, từng họa tiết. Khâm phục nghệ nhân này và nghệ thuật dân gian, ông tỉ mẩn học theo.
Một lần khác, khi đi công tác ở Trạm Tấu (Yên Bái), ông nhìn thấy những cô gái Mông, những bà mẹ chỉ trung trung tuổi cầm bút vẽ bằng sáp ong rất điêu luyện. Họ có thể vẽ hàng trăm bố cục dù trong tay không có bất cứ một bản thảo nào. Điều đáng ngạc nhiên là nếu nhìn thoáng qua thì chúng có vẻ giống nhau nhưng thật ra không cái nào giống cái nào. Điều này khiến một chàng trai trẻ được học hành bài bản về hội họa như ông phải lắc đầu thán phục.
Vậy là Phan Ngọc Khuê học thêm được kỹ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải cho loại hình nghệ thuật trang trí. Cũng năm ấy, những bức tranh của ông vẽ bằng chất liệu và kỹ thuật này trên vải bông (thuộc dạng tranh lụa) đã được triển lãm tại 12 nước xã hội chủ nghĩa. Bây giờ có bức ông treo ở nhà, hai bức tranh "Mùa thu hoạch ngô" và "Dàn cồng Mường" được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cũng nhờ việc bán tranh vẽ bằng sáp ong mà những năm bảy mươi, khi đã về Hà Nội, thời kỳ khó khăn, cả nhà phải sống trong căn nhà ở khu lắp ghép mà dân xung quanh gọi là cái "lều vịt" (đường Trương Định bây giờ) mà ông nuôi được cả ba con học đại học. Dòng tranh này được người nước ngoài rất thích, mua với giá cao. Mỗi tháng bán được một bức tranh, tương đương với hai chỉ vàng, là niềm mơ ước của nhiều người lúc đó.
Cũng bởi ham học hỏi, chăm chỉ mà khi ở Sơn La, cậu học trò Phan Ngọc Khuê được các nghệ nhân người Dao, Mường, Thái yêu quý. Với họ, Phan Ngọc Khuê cũng dành một tình cảm đặc biệt, dù đi đâu cũng nhớ và muốn quay về, dù cho đã rời Sơn La mấy chục năm.
“Xem các nghệ nhân vẽ trên vải đã khâm phục rồi, sau này về xuôi làm việc với các nghệ nhân vẽ tranh còn kỳ diệu hơn nữa. Nhiều lần đi qua Hàng Chỉ (cắt ngang Hàng Mành), nơi đây dệt đủ kiểu mành to nhỏ, trang trí đẹp, tôi phải dừng lại đứng nhìn. Hình ảnh các chị hai tay cầm hai bút vẽ long phượng, mây khói, màu sắc xanh đỏ tím vàng thật tài tình”, ông kể.
Khi về Hà Nội, làm ở Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, đặc biệt trong suốt hai mươi lăm năm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông còn đi nhiều hơn nữa, gặp nhiều nghệ nhân hơn nữa. Những trải nghiệm và kinh nghiệm trong những chuyến đi đó đã trở thành nguồn tài liệu quý báu để ông thực hiện các công trình nghiên cứu có giá trị.
May mắn được làm nghệ thuật suốt đời
Ông nghiên cứu nghệ thuật, mỹ thuật dân gian của một số dân tộc từ nhu cầu tự thân, như cách để trả món nợ ân tình với những nghệ nhân ông yêu quý, những mảnh đất từng gắn bó. Ông nghiên cứu nghệ thuật trang trí của các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc, tranh thờ Đạo giáo của người Dao, nghệ thuật trang trí kiến trúc của người Thái, nghệ thuật tạo hình của các dân tộc ít người ở Việt Nam, mỹ thuật dân tộc Thái,... Các công trình này đều giành giải cao của Hội Văn nghệ Dân gian VN trong nhiều năm liên tiếp.
"Khi nghiên cứu viết "Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam" tôi phải nhờ công an đi cùng, không thì người ta lại tưởng mình tuyên truyền mê tín dị đoan. Thật đau lòng khi thấy có nghệ nhân bị mang tiếng là mê tín dị đoan. Mình là người trong nghề, hiểu nghề nên có trách nhiệm phải nói cho thiên hạ biết những nghệ nhân ấy vẽ đẹp ở đâu”, họa sĩ Phan Ngọc Khuê kể. Công trình nghiên cứu "Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam" sau đó được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (năm 2001). Cuốn sách này còn được dịch ra tiếng Anh và được Hội xuất bản VN, Hội đồng giải thưởng sách VN trao giải Đồng (giải Ba) cho sách hay năm 2009.
Mới đây, công trình "Tranh dân gian Hàng Trống-Hà Nội" cũng đã đem lại cho ông hai giải thưởng cao nhất của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2013). Cuốn sách công phu không chỉ bởi nhiều bài viết, dẫn luận, chú thích cho từng bức tranh mà còn bởi số lượng tranh sưu tập được. Trong đó, nhiều bạn bè đồng nghiệp khi biết ông nghiên cứu đã mang tranh tới biếu, thậm chí có cả người nước ngoài.
Ông Marcus Durand, con trai của một học giả người Pháp Maurice Durand từng học trường Viễn Đông Bác Cổ đã đích thân mang cuốn sách về tranh dân gian Việt Nam của cha mình cho ông mượn. Ông gặp những nghệ nhân tài danh, như bà Nguyễn Thị Mão, chủ hiệu tranh Thanh An nổi tiếng làm tranh Hàng Trống, người khắc, in, bán, sưu tầm tranh để có tư liệu cho bài viết.
"Để nghiên cứu tranh Hàng Trống thì phải hiểu rõ các dòng tranh dân gian khác như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, chỉ ra cho người ta thấy sự khác nhau của những dòng tranh này. Với nghệ thuật phải công bằng, muốn công bằng thì phải có cái nhìn khách quan", họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói. Tranh Đông Hồ thì nhiều người biết đến, nhưng tranh Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) thì không phải ai cũng biết. Hơn nữa dòng tranh này đã bị thất truyền từ năm 1916, ngay cả người làng tranh cũng chẳng còn giữ.
Năm 1976, khi đã về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông đã về Kim Hoàng, hỏi han từ bà nông dân đến ông thợ cắt tóc đầu làng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều bản ván khắc khi không còn được dùng để làm tranh nữa, người dân tận dụng lót hầm tránh bom, đậy thạp gạo, làm rương đựng thóc, thậm chí dùng để đóng chuồng gà, làm bàn trang cào lúa. Sau hai tháng liên tục bám đất, bám dân, mò mẫm, chui vào cả thùng đựng thóc lật từng tấm ván gỗ, những bản ván khắc tranh Kim Hoàng đã được ông tìm thấy đưa về bảo tàng thẩm định. Ông là người có công đầu trong việc tìm lại dòng tranh Kim Hoàng. Những tư liệu này giúp ích cho ông rất nhiều khi nghiên cứu, so sánh với tranh Hàng Trống sau này.
“Tranh dân gian Hàng Trống” vì vậy không chỉ là công trình nghiên cứu công phu dày tới 600 trang về dòng tranh này mà còn cung cấp một bức tranh sinh động các dòng tranh dân gian khác. Đáng quý hơn nữa, công trình ấy được ông hoàn thiện khi đã 73 tuổi (năm nay họa sĩ Phan Ngọc Khuê 77 tuổi).
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê có một niềm tự hào: Cả cuộc đời được làm đúng nghề và làm việc hết mình, dù ở bất cứ đâu, bất cứ đơn vị công tác nào. Ngoài hội họa, những công trình nghiên cứu của ông về nghệ thuật, mỹ thuật dân gian đều đem lại sự hứng khởi. Họa sĩ Phan Ngọc Khuê ví von đầy hình ảnh nhưng cũng chân tình rằng, ông trả ơn đồng bào Tây Bắc khi viết cuốn sách "Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam", trả ơn đồng bào Việt Bắc khi viết "Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam" và trả ơn đồng bào miền xuôi, đồng bào Kinh khi nghiên cứu "Tranh dân gian Hàng Trống-Hà Nội".
Bài và ảnh: Xuân Phong