Tô Hoài - bạn văn của cha tôi

Nhờ Tô Hoài mà anh Nguyễn Huy Thắng (hiện là Phó Giám đốc NXB Kim Đồng) biết thêm nhiều điều về cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

“Lấy Tô Hoài làm mẫu mực”

Bức ảnh chụp nhà văn Tô Hoài (bên trái) và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.


Nhà văn Tô Hoài, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc… đã về với đất ngày 6/7/2014. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ra tại quê nội thôn Cát Động, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô (nay thuộc phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, kém nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tám tuổi. Theo Nguyễn Huy Thắng, với những gì gia đình lưu trữ được thì từ năm 18 tuổi cha anh, ông Nguyễn Huy Tưởng, đã viết nhật ký. Ông viết rất đều đặn cho đến trước khi mất.

Những trang nhật ký Nguyễn Huy Tưởng viết đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước đã nhắc đến Tô Hoài thường xuyên với tình cảm rất trọng thị. Những dòng nhật ký cũng cho thấy Nguyễn Huy Tưởng đã nhận ra ở Tô Hoài phẩm chất của một người trẻ, một tấm gương lao động miệt mài, nghiêm túc và bền bỉ. Ông viết “người ta vẫn lấy Tô Hoài làm mẫu mực”, một lời nhận xét về bạn nhưng cũng là đặt ra trách nhiệm cho mình.

Ngược lại, nhà văn Tô Hoài qua những trang viết hồi ký của ông, bao giờ cũng nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng với một sự quý mến, chân tình.

Tình cảm chân thành của hai người bạn văn

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi đó chưa có nhiều bài viết về các nhà văn cũng như các tác phẩm văn học. Công tác phê bình văn học cũng chưa phát triển, các nhà văn cũng như các tác phẩm của họ cũng chưa được viết về nhiều như bây giờ. Nhiều điều Nguyễn Huy Thắng được biết về tác phẩm của cha mình chính là qua nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài đã viết lời giới thiệu cho Tuyển tập Truyện thiếu nhi, Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng (Nxb Tác phẩm mới) in sau năm 1975. Với tư cách là một nhà văn Hà Nội, Tô Hoài đã viết về Nguyễn Huy Tưởng và đăng trên báo Người Hà Nội và những tập san của Hội Văn nghệ HN. Đặc biệt qua tác phẩm “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” của Tô Hoài, anh càng hiểu về cha mình hơn. Những tác phẩm này cũng đã khắc họa sâu sắc tình bạn nồng đậm của hai nhà văn.

Nhà xuất bản Văn học khi làm Tuyển tập truyện thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, đã mời nhà văn Tô Hoài viết lời giới thiệu. Ông đã có những nhận xét rất trân trọng: Cho đến bây giờ (năm 1966), viết truyện cổ tích và lịch sử chưa có ai chuyên và thành công như Nguyễn Huy Tưởng. Và để kết thúc, Tô Hoài viết: “gương thành công ấy thành trách nhiệm cho chúng ta”.

“Tuyển truyện đó mỏng thôi, khoảng hơn hai trăm trang... nhưng những nhận xét của tác giả của cuốn truyện nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký”, người viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, thậm chí viết sớm hơn cha tôi rất nhiều, dù cha tôi hơn tuổi ông đã khiến tôi rất xúc động”, anh Nguyễn Huy Thắng kể.

Về sau này, khi Nhà xuất bản Kim Đồng in lại Tuyển tập truyện thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, về cơ bản vẫn là tập mà Nhà xuất bản Văn học in năm 1966, chỉ bổ sung thêm một hai truyện nữa, biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng lại tìm đến nhờ nhà văn Tô Hoài viết giúp. Nhà văn Tô Hoài nói: Tôi đã viết rồi. Biên tập viên hỏi thêm: Nhưng sau mấy chục năm rồi, bác có muốn viết lại hay bổ sung gì thêm không? Nhà văn Tô Hoài nói: Không, đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên những suy nghĩ của tôi về anh Tưởng.

Và những kỷ niệm

Cũng theo anh Nguyễn Huy Thắng, có những câu chuyện để lại trong anh sự trân quý người bạn lớn của cha mình. Chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày toàn quốc kháng chiến, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội làm bộ phim truyền hình 6 tập “Sống mãi với Thủ đô” (đạo diễn Lê Đức Tiến) tái hiện Hà Nội năm 1946, dựa trên tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng. Khi ấy, một nhà sử học nói với anh: Chi tiết mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói là vệ quốc quân hồi đó mặc áo trấn thủ e rằng không chính xác, áo này phải sau chiến dịch Việt Bắc mới có. Nghe nhà sử học nói thế, anh giật mình, bèn về đọc lại tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” của cha.


Quả là trong tiểu thuyết, không chỉ một lần mà nhiều lần nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói đến áo trấn thủ. Ông còn nói đến cả lớp vải chần, múi hình quả trám của loại áo này. Không biết phải làm sao, Nguyễn Huy Thắng đem câu chuyện ấy hỏi bác Tô Hoài. Nghe thế, nhà văn Tô Hoài cười rất hóm hỉnh, mắt ông hấp háy nhìn rất vui, bảo: ông Tưởng đã viết như thế thì đúng là như thế còn gì.

“Thay vì trả lời là đúng đấy, thì nhà văn Tô Hoài lại trả lời một cách rất hài hước, hóm hỉnh, vừa là cho vui câu chuyện, vừa cho nhẹ câu chuyện. Các ông sống cùng thời, lại có sự kiểm chứng của chính bản thân mình. Chỉ một câu mà nói lên nhiều điều. Tôi đọc được trong câu nói ấy lòng tin yêu của bạn văn với nhau, biết nhau, trọng nhau”, anh Nguyễn Huy Thắng kể.

Cũng theo lời kể của Nguyễn Huy Thắng, nhà văn Tô Hoài có một đặc điểm rất đáng quý thế này. Khi ông không biết về một việc gì đó hoặc câu trả lời sẽ khác đi với không khí xung quanh thì ông nói: Tôi không biết, rất ngắn gọn, dứt khoát, thẳng thắn chứ không khi nào trả lời kiểu “hình như thế”, “hay là” hoặc là dùng cách diễn đạt khác. Đem câu chuyện trên hỏi nhà văn Tô Hoài vì Nguyễn Huy Thắng biết, nếu có vấn đề gì ông không chắc chắn hoặc ngờ ngợ thì anh biết chắc ông sẽ nói: Tôi không biết.

Nhà văn Tô Hoài cũng là người rất tâm lý, để ý cả những việc tưởng chừng rất nhỏ. Nguyễn Huy Thắng đã rất ngạc nhiên nhưng cũng thật sự xúc động khi nhận được một bức thư của nhà văn Tô Hoài gửi cho mình. Bì thư được tận dụng lại từ một bì thư của ai đó gửi cho bác Tô Hoài (nhà văn vẫn thường làm như vậy), bên trên ghi: Tô Hoài gửi Thắng. Trong thư, nhà văn Tô Hoài gửi cho anh bức ảnh mà nhà văn Tô Hoài và cha anh chụp chung với nhau khi còn trẻ. Bức ảnh này gia đình anh cũng có, được lưu giữ từ lâu, nhưng chỉ nhỏ trong lòng bàn tay. Bức ảnh mà nhà văn Tô Hoài gửi cho anh đã được phóng to. Cẩn thận hơn, cũng từ bức ảnh đó, nhà văn Tô Hoài còn rửa và ép plastic hai tấm ảnh riêng về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Việc làm ấy của nhà văn Tô Hoài khiến anh càng kính trọng ông hơn.

Anh cũng cảm nhận rất rõ, tấm lòng nhà văn Tô Hoài dành cho mình. “Nhà văn Tô Hoài khi tặng sách, ông chỉ đề là “tặng” ai đó chứ không ghi “thân tặng” như nhiều người thường làm. Tôi từng nghe kể, có người đã hỏi nhà văn Tô Hoài về việc này, thì ông nói: Trong quan hệ với nhau có thể lúc này thế này, lúc kia thế kia, chữ “thân” ấy có thể cũng có sự thay đổi chăng. Vậy tốt nhất, giản tiện nhất thì cứ để chữ “tặng” không thôi. Thế nên tôi rất cảm động khi một ngày vào năm 1990, bác Tô Hoài đã viết cho tôi mấy chữ, trong đó mở đầu là “Huy Thắng thân yêu”. Với anh, những gì liên quan đến nhà văn Tô Hoài đều trở thành kỷ vật và được anh trân trọng giữ gìn.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân: Vẽ chân dung nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài rất gần gũi với gia đình nhà văn Kim Lân. Trong trí nhớ của chị Hiền, từ lúc còn nhỏ, chị đã biết nhà văn Tô Hoài. Trong suốt thời gian kháng chiến bùng nổ, gia đình chị cùng với rất nhiều văn nghệ sĩ khác như nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, ... ở trên một “quả đồi văn nghệ” ở Nhã Nam, ấp Cầu Đen, Yên Thế (Bắc Giang).

Trong suốt nhiều năm sau này, gia đình chị vẫn thường xuyên qua lại với gia đình của nhà văn Tô Hoài. Em trai chị là bạn thân, cùng học với con trai nhà văn Tô Hoài. Những lần chị từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi, nhà văn Kim Lân đều mời bạn bè đến nhà ăn cơm, trong số những người bạn ấy, không thể thiếu Tô Hoài. Vì thế, bây giờ, ở Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, treo rất nhiều ảnh chụp nhà văn Tô Hoài và gia đình chị cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác.

Đầu năm nay, khi nhà văn Tô Hoài nằm viện, chị tới thăm. Lúc ấy nhà văn Tô Hoài đã yếu lắm rồi, nhưng vẫn tỉnh táo, vẫn nói chuyện được. Khi đến viện, chị nói với nhà văn:

-Bác ơi, cháu Hiền, con bố Kim Lân đây.

- Hiền đấy à, cháu vẫn vẽ đấy chứ? - nhà văn hỏi khẽ.

Sau đó chị nói với nhà văn rằng, Báo Lao động nhắn tin cho cháu là bài của bác viết vừa in xong rồi đấy. Họ nhờ cháu báo để bác vui. Chị cũng thông báo với nhà văn rằng, chị sẽ vẽ chân dung của bác.

Câu chuyện của chị với lão nhà văn trên giường bệnh chỉ ngắn ngủi có vậy. Sau đó, nhà văn ngủ thiếp đi. Chị nói chuyện với Phương Vũ thêm một lúc, nhờ anh tìm một số tư liệu ảnh, đĩa phim về nhà văn để chị làm tư liệu, chuẩn bị vẽ chân dung những nhà văn cùng thời cha mình, chân dung bạn bè, những người cùng giới, bạn văn chương và những người cùng thời.

“Từ rất lâu rồi, các bạn văn nghệ sĩ của cha tôi đã nói, cháu vẽ hàng trăm bức chân dung cho người nước ngoài, sao không vẽ chân dung các bác. Trước khi nhà văn Nguyễn Tuân mất mấy tháng, trong một bữa cơm với gia đình, bác ấy cũng nhắc chuyện này. Tôi cũng đã hứa với nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn,… là sẽ vẽ. Lời hứa này như một “món nợ” mà bây giờ tôi quyết tâm thực hiện. Những bức tranh đó tôi sẽ không bán, cũng chẳng tặng ai, nó sẽ là tài sản vô giá của riêng tôi”, chị nói.

Hoàng Linh


Xuân Phong


Người cha của dế mèn đã trở về với đất
Người cha của dế mèn đã trở về với đất

Sao vẫn rưng rưng khi đọc cái tin về sự ra đi của người cha đẻ của “Dế mèn phiêu lưu ký”, "O chuột”, “Truyện Tây Bắc”, “Vợ chồng A Phủ”…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN