Theo tuần báo "Focus" của Đức, ngày 3/10, cảnh sát nước này đã tìm thấy gần 1.500 bức tranh quý bị chế độ Đức quốc xã đánh cắp trong một căn hộ ở phía Nam thành phố Munich. Số tranh trên do Hildebrand Gurlitt một quan chức Bộ tuyên truyền của chế độ phát xít chuyên phụ trách việc xử lý các tác phẩm nghệ thuật mà chế độ này cho là "suy đồi", mua trong những năm 1930-1940.
Cảnh sát Đức đã tình cờ phát hiện ra số tranh nói trên khi khám xét căn hộ của Cornelius Gurlitt, con trai của Hildebrand Gurlitt, do bị tình nghi trốn thuế. Các bức tranh được giấu trong các bình đựng giăm bông và thịt nguội trong căn hộ của Cornelius Gurlitt hơn nửa thế kỷ.
Trong số các bức họa được tìm thấy có nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn của thế kỷ 20 của Picasso, Matisse và nhiều họa sĩ nổi tiếng người Đức như Emil Nolde, Franz Marc, Max Beckmann và Max Liebermann. Theo ước tính, giá trị của số tranh nói trên vào khoảng 1 tỉ euro (1,3 tỉ USD).
Theo các nhà nghiên cứu, trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chế độ Đức quốc xã đã chiếm đoạt hàng loạt tác phẩm nghệ thuật ở Đức và châu Âu, trong đó nhiều tác phẩm của các họa sĩ người Do Thái bị "sung công" hoặc bị buộc phải bán với giá rẻ mạt. Chỉ trong vòng bốn năm từ 1940-1944, gần 100.000 bức tranh, ảnh, tranh thêu và các cổ vật của người Do Thái ở Pháp đã bị chế độ phát xít chiếm đoạt.
Đến nay, hàng nghìn tác phẩm trong số đó đã được trả lại cho chủ sở hữu hoặc con cháu của họ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia người Đức, ước tính hàng nghìn kiệt tác và hàng chục nghìn tác phẩm nghệ thuật quý cho đến nay vẫn chưa được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Hồi tuần trước, một cuộc điều tra do các bảo tàng của Hà Lan tiến hành cũng cho thấy 139 tác phẩm nghệ thuật của nước này, trong đó có một bức tranh của Matisse và hai bức tranh của Kandinsky, có thể đã bị chế độ Đức quốc xã đánh cắp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
TTXVN/Tin tức