Chiều 15/9, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản, In và Phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng”. Đây là một trong các hoạt động của Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).
Hội thảo tập trung vào những nhóm chủ đề: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay; đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan. Việt Nam cũng xây dựng hệ thống thiết chế quản lý và bảo hộ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp Hội quyền sao chép, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học, Trung tâm Bản quyền số... Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, các hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do công nghệ số phát triển như mạng xã hội, thương mại điện tử...
Tương tự, ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết: "Tình trạng vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Vì vậy, để ngăn chặn sách vi phạm bản quyền, trước tiên các sàn thương mại cần siết chặt khâu phân phối các sản phẩm văn học này".
"Tại Philippines, để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số, Chính phủ Philippines cũng đã cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này có nhiệm vụ tuyên truyền nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý, tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền", ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chia sẻ: "Hiện nay, sách giả, sách lậu giống một thứ virus bào mòn “sức khỏe” văn hóa, “sức khỏe” tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa nói riêng. Do đó, cộng đồng hãy cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền và để người viết có thêm động lực để phát huy khả năng sáng tạo của mình".