Từ khi nghệ thuật thứ bảy hình thành và bước đi vững chãi trên con đường phát triển, các bộ phim tài liệu thường bị xếp cuối cùng trong danh sách “kế vị” của nền công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên thời gian gần đây chính ngành phim ảnh đã phải chật vật để mở rộng không chỉ đối tượng khán giả mà cả “giới hạn” của các thể loại phim.
Phim tài liệu trong khi đó đang được người xem “để mắt đến” nhiều hơn bởi thể loại này đem đến tính chân thực, những góc khuất của cuộc sống. Công nghệ cũng đang “tăng liều lượng” khi ngày càng có nhiều bộ phim tài liệu rời rạp chiếu và tiến thẳng đến nhà của người xem qua màn hình tivi, hoặc điện thoại thông minh.
Bộ phim tài liệu “An Inconvenient Truth” được bổ sung nhiều số liệu minh họa gây ấn tượng đẹp với người xem. |
Bên cạnh đó, các loại camera tân tiến kết hợp với công nghệ biên tập ưu việt được du nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim tài liệu. Đó chính là những người sẵn sàng bỏ công chăm chú theo dõi những con bọ hung trong 10 tiếng đồng hồ liên tiếp chỉ để có được một khung hình đẹp cho chương trình tài liệu về thiên nhiên hoang dã.
Tính mới mẻ của phim tài liệu tương tác cũng đang làm động lực để các nhà sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Điển hình như bộ phim tài liệu có tiêu đề “Bear 71” của Canada ra mắt năm 2012 đã đưa người xem tới công viên quốc gia tại Banff tại nước này. Người xem có thể quan sát được sự chuyển động của động vật cư trú trong công viên quốc gia Banff ở thời điểm thực, khi nhấp chuột vào một con vật, sẽ hiện lên video cung cấp thông tin chi tiết hơn về sinh vật đó. Người xem cũng có thể biết được ai cũng theo dõi phim tài liệu giống mình.
Ngoài ra còn có bộ phim tài liệu “Hollow” trình làng năm 2013 với cách thức kể chuyện mới về một khu vực đang trong đà suy tàn tại Mỹ, được kết hợp với các video, dữ liệu tương tác, bản đồ… trong một trang web. Trước đó, bộ phim “An Inconvenient Truth” (năm 2006) đã gây tiếng vang bởi vấn đề xã hội được kể theo phong cách giảng giải sắc bén với hình ảnh phụ họa. Bộ phim còn gợi ý cho khán giá về các hành động mà họ có thể đóng góp và các trang web để truy cập liên quan đến vấn đề.
Việc phân biệt giữa phim tài liệu và phim truyền hình đang trở nên lỗi thời khi đường ranh giới phân biệt giữa hai thể loại bắt đầu nhạt nhòa dần. Đi tiên phong trong việc đưa phim tài liệu trở thành “món ăn” phổ biến hàng ngày là truyền hình trực tuyến Netflix.
Thể loại phim tài liệu được đánh giá đang lên ngôi hiện nay là hình sự và những cái tên tiêu biểu là “Amanda Knox” và “OJ: Made In America” của Netflix. Người xem sẽ bị cuốn vào vòng tò mò về việc ai là tội phạm và kẻ tình nghi liệu có vô tội... Khởi nguồn cho trào lưu này là bộ phim tài liệu Serial (ra mắt năm 2014) đã kiên nhẫn đi qua hàng loạt bằng chứng, các tiểu tiết liên quan tới vụ giết người năm 1999 của nạn nhân là nữ sinh trung học Hae Min Lee và nghi vấn về việc liệu nghi phạm bị bắt có thực sự là kẻ đã ra tay. Theo CBS News, tính đến tháng 2/2016, Serial đã được ghi nhận 80 triệu lượt tải xuống.
Các nhà làm phim tài liệu cũng bắt đầu tự thay đổi nội dung và cách làm truyền thống của thể loại này. Phim tài liệu về âm nhạc hiện nay được gần chạm đến đỉnh cao nghệ thuật. Những bộ phim không chỉ dừng lại ở việc khắc họa hành trình quảng bá album hay chuyến lưu diễn của nghệ sĩ mà nay được đầu tư nhiều hơn để trở thành câu chuyện âm nhạc.
Ngày nay, các diễn viên nổi tiếng cũng bước chân vào làm phim tài liệu. Như nữ minh tinh tài năng của Hollywood, Jennifer Lawrence từng góp giọng trong bộ phim tài liệu có tiêu đề “A Beautiful Planet” (năm 2016) xoay quanh Trái đất được nhìn từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Hay nam tài tử Leonardo DiCaprio là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu “Ivory Game” trên kênh truyền hình trực tuyến Netflix. Bộ phim lột trần góc tối của việc buôn bán, săn trộm ngà voi từ châu Phi đưa sang Trung Quốc.
Phim tài liệu không chỉ ghi điểm về nội dung mới mà còn vì tác động của thể loại này với cuộc sống. Một trong những phim từng gây ra hiện tượng lớn là “Super Size Me” (năm 2004), từng tạo ra tranh luận lớn về dinh dưỡng. Bộ phim đã tạo động lực những người nổi tiếng như đầu bếp Jamie Oliver và Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama ủng hộ về chế độ ăn uống lành mạnh. Sáu tuần sau khi “Super Size Me” ra mắt, thương hiệu đồ ăn nhanh lừng danh McDonald thậm chí tuyên bố gỡ bỏ cỡ bánh “siêu khủng” ra khỏi thực đơn.
Trước đó rất lâu là bộ phim “The Thin Blue Line” (năm 1988) của đạo diễn Errol Morris về một người đàn ông bị kết án tử hình. Theo đó, Randall Adams, người bị bỏ tù vì giết một cảnh sát Texas năm 1979 đã được minh oan và thả khỏi tù năm 1990.