Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng

Ngày 25/10, tọa đàm “Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng” đã diễn ra tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Phương Lan/TTXVN

Sự kiện do Công ty Cổ phần Sách điện tử WAKA phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức, nhằm mở ra không gian giao lưu giữa các tác giả và bạn đọc. Đồng thời, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa đơn vị cung cấp nền tảng xuất bản điện tử, nhà xuất bản và các tác giả.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển không ngừng, thơ ca cùng các loại hình nghệ thuật khác đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ. Trong thời đại mà mọi thông tin đều có thể cập nhật một cách dễ dàng, chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối với internet, ngồi ở bất kỳ đâu, nhà văn, nhà thơ cũng có thể sáng tác và gửi tác phẩm đến ngay với cộng đồng mạng.

Đây là thuận lợi, ưu thế của thời đại kỹ thuật số, nhưng điều này cũng kéo theo những hạn chế. Bởi lẽ, sự tự do trong sáng tác, người viết tự chịu trách nhiệm về các trang viết của mình, không có sự can thiệp của biên tập viên nhà xuất bản hoặc các đơn vị - tổ chức có nhiệm vụ kiểm duyệt để in như sách giấy nên nhiều khi những tác phẩm được đưa đến công chúng một cách vội vàng, dễ dãi, có thể sẽ dẫn đến sự cẩu thả trong sáng tác và tiếp nhận. Vì thế, công chúng khi tiếp cận với thơ ca, văn học mạng cần có sự tỉnh táo để sàng lọc thông tin, tiếp nhận những giá trị đích thực của tác phẩm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông đã sử dụng công nghệ để phục vụ công việc từ lâu. Một số năm trở lại đây, khi trí tuệ nhân tạo AI phát triển lên những tầm cao mới đã giúp con người rất nhiều trong giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Con người cũng không bỏ qua sự ưu việt và tân tiến này.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, từ nhiều năm nay, ông đã sử dụng sách điện tử bởi sự tiện dụng của nó. Sách truyền thống in tốn kém, đến tay độc giả rất vất vả, trong khi sách điện tử chỉ mấy giây đã đến tay người đọc. “Trong điện thoại của tôi có 175.000 cuốn sách điện tử, tôi thích đọc sách điện tử bởi nó nhẹ, nhanh, đọc thuận tiện, trong khi cầm cuốn sách giấy nó nặng quá”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, các nhà văn thời công nghệ số sẽ phải trăn trở nhiều hơn với những sáng tạo của mình, để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước được, không thể với tới được. Chỉ có như thế, con người mới giữ được vai trò kiểm soát và điều khiển máy móc, nếu không thì sẽ bị trí tuệ nhân tạo lấn lướt.

Theo nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thơ ca đến với độc giả bằng nhiều con đường. Trong đó có con đường truyền thống như xuất bản sách, xuất bản trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Có con đường trực tiếp thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc đọc thơ trực tiếp cho độc giả nghe. Hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận thơ ca qua công nghệ, trên Facebook, Zalo, qua các nền tảng mạng xã hội, sách điện tử…

Theo nhà thơ Trần Kim Hoa, công nghệ giúp ích cho người làm nghệ thuật, là công cụ để các tác phẩm của nhà thơ đến gần công chúng. Với sự ra đời và tiếp cận thơ ca nói riêng, văn chương nói chung của trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đồng hành cùng với nó.

Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ, khi còn nhỏ, ở quê nhà, chị tiếp xúc với thơ ca, văn chương chủ yếu qua sách, báo, tạp chí… nhưng sau này, khi đã có sự kết nối về công nghệ, các nhà thơ, nhà văn đã có nhiều phương thức khác nhau để phổ biến trên nhiều kênh khác nhau. Nếu chưa có cơ hội phổ biến trên báo, tạp chí, các tác giả phổ biến trên trang cá nhân, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình. Đây là bước phát triển vượt bậc, song cũng đặt chúng ta vào nguy cơ phải đối diện với một số mặt trái.

Nhà thơ Lữ Mai cho rằng cuốn sách hay được xuất bản chính thống nó vẫn có danh giới khác với việc đưa lên mạng xã hội và kênh cá nhân. Trong khi đó, việc có thể tự do xuất bản tác phẩm trên trang cá nhân có thể sẽ dẫn đến tình trạng, một bộ phận tác giả dễ bị ảo tưởng về tác phẩm của mình.

Nhà thơ Lữ Mai cho biết, chị sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ, để có thêm kiến thức cho mình trong quá trình tham khảo thông tin. “Chúng ta sử dụng công nghệ như một công cụ hữu ích, nhưng chúng ta cũng phải làm chủ công nghệ, không nên lệ thuộc vào công nghệ, không để công nghệ dẫn dắt để mất sự chủ động của mình trong sáng tạo tác phẩm”, nhà thơ Lữ Mai bày tỏ.

Phương Hà (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Vận động sáng tác lời mới thơ ca - lý - hò - vè về nông thôn mới
TP Hồ Chí Minh: Vận động sáng tác lời mới thơ ca - lý - hò - vè về nông thôn mới

Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới thơ ca - lý - hò - vè Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Nông thôn ngày mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN