"Thị Hến du xuân" là chương trình lưu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ công chúng phía Nam nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Chương trình diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3/3 đến ngày 13/3; sau đó là tại Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 14-16/3. “Thị Hến du xuân” bao gồm các tiểu phẩm, vở kịch đặc sắc được chọn lọc, đã biểu diễn rất thành công tại Hà Nội, để lại nhiều ấn tượng cho khán giả mọi lứa tuổi. Các tác phẩm đều gắn với hình tượng người phụ nữ Việt Nam, được thể hiện qua góc nhìn đa chiều, mang đến những trải nghiệm sâu sắc, hài hước, giàu tính nhân văn. Trong đó, tác phẩm hài kịch “Thị Hến du xuân” do Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh đạo diễn, được phóng tác từ kịch bản dân gian nổi tiếng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến".
Trong vở này, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh có sự kết hợp giữa chiếu chèo truyền thống với lối kể chuyện sinh động, tươi mới, hiện đại để khắc họa chân dung nàng Hến, một người phụ nữ sống trong các lề thói phong kiến nhưng tư tưởng rất hiện đại, dám vạch trần bộ mặt xấu xa của những lũ quan tham. Thị Hến là đại diện cho quần chúng nhân dân lao động, tạo nên các tình huống éo le trên sân khấu, mang lại sự hứng khởi cho người xem...
Cảnh trong vở Thị Hến du xuân. Ảnh: dantri.com.vn
|
Một chùm hài kịch chọn lọc khác được lựa chọn lần này mang tên "Phụ nữ ơi, em là ai" gồm các tiểu phẩm hài kịch đặc sắc, được trích từ những chương trình hài kịch nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ như “Kẻ khóc, người cười 1, 2, 3”; “Ngẫm mà cười”; “Nụ cười kẻ chợ”... Đây là những câu chuyện dí dỏm, tươi vui với nhiều tình huống dở khóc, dở cười, sẽ góp phần khắc họa các nét tính cách đặc biệt của phụ nữ, nghệ thuật hóa thành tiếng cười vui vẻ, thư giãn, sảng khoái.
Trong các tác phẩm được lựa chọn du xuân lần này có 3 vở kịch tâm lý xã hội, trong đó có 2 vở diễn giành được giải thưởng cao tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và đều do Nghệ sỹ Ưu tú Anh Tú làm đạo diễn. Đó là vở "Nhà có 5 anh em trai" của tác giả Nguyễn Thu Phương và "Cầu vồng lục sắc" của tác giả Như Thủy. Vở "Nhà có 5 anh em trai" đề cao sự yêu thương, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thế hệ nối tiếp nhau cùng sống trong một mái nhà - nét đẹp truyền thống vốn có của dân tộc Việt Nam.
Vở "Cầu vồng lục sắc" là một câu chuyện nhẹ nhàng, cảm động về tình yêu được coi là không thuận theo lẽ tự nhiên, những nhân vật trong đó thể hiện sự mâu thuẫn, giằng co để lựa chọn việc phải sống đúng với con người thật của mình hay phải ngụy trang để trở thành con người khác, đúng với mong muốn của xã hội, sức ép từ những người thân... Khác với 2 vở nêu trên, vở "Nhà có 3 chị em gái" của tác giả Nguyễn Thu Phương, Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Huyền làm đạo diễn, là câu chuyện cảm động về cuộc sống đầy thăng trầm của một gia đình nhỏ với người cha già chấp nhận "gà trống" nuôi ba cô con gái lớn khôn. Và 3 cô con gái lại là ba số phận với những tính cách khác hẳn nhau.
Thanh Giang