Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có ý kiến xung quanh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đã có những giá trị tích cực giúp cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường ngày một chặt chẽ. Ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở kinh doanh được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thực hiện, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến loại hình dịch vụ này phải tạm dừng hoạt động. Nhiều cơ sở kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí không thể hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch
Sang năm 2022, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động trở lại, một số địa phương đã xảy ra cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường, gây tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, làm hoang mang dư luận.
Thống kê từ Cục Văn hóa cơ sở cho biết, năm 2019, cả nước có 22.398 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, 24 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ vũ trường. Đến năm 2022, cả nước có tổng số 15.077 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke; 31 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 12.453 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, 29 cơ sở kinh doanh vũ trường.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong quá trình triển khai Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an ninh, trật tự; phòng chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Từ khi Nghị định 54/2019/NĐ-CP có hiệu lực tới thời điểm hiện tại, lực lượng Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch toàn quốc đã trực tiếp triển khai và chủ trì, phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với trên 10.000 tổ chức, cá nhân; ban hành hàng trăm quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước gần 4 tỷ đồng.
Các vi phạm thường gặp của các cơ sở kinh doanh là: Hoạt động quá giờ; độ ồn âm thanh vượt quá quy định; không ký hợp đồng lao động; chưa chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện an ninh trật tự, cá biệt một số cơ sở vì lợi nhuận để xảy ra việc khách hàng sử dụng chất cấm hay có hoạt động mại dâm tại cơ sở kinh doanh,… gây tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng, chống cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường hoạt động văn hoá cho người dân thụ hưởng.
Hội nghị đã nghe ý kiến của nhiều đại biểu, đại diện các sở, ban ngành và địa phương chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và Chỉ thị số 01/CTT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Các đại biểu nêu những kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới với từng bộ, ban, ngành và địa phương, nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke theo lộ trình; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP tiếp tục được hoạt động và có cam kết thực hiện nghiêm theo quy định nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong thời gian tới.