Gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc, Đình Mống không chỉ là địa điểm tâm linh mà còn là chứng tích lịch sử được khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.
Đình Mống tọa lạc trên khu đất rộng 1.300 m2. Trước cách mạng tháng 8/1945, di tích thuộc thôn Ngọc La và thôn Mống Trạch, xã Yên Mông, huyện Nho Quan. Sau năm 1945, dưới chính quyền cách mạng, di tích được đặt tên là Đình Mống. Điểm nổi bật của di tích Đình Mống là ở thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1946 - 1954, địa điểm này là nơi thành lập Đại đoàn 320 Đồng bằng (16/1/1951) do đồng chí Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khi đó là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy; đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị lúc đó làm Phó Chính ủy. Sau khi được thành lập, Đại đoàn đã tỏa đi khắp các chiến trường trong cả nước và lập nhiều chiến công.
Ông Hoàng Công Đĩnh kể lại lịch sử của di tích lịch sử Đình Mống cho đoàn viên thanh niên. |
Cũng tại Đình Mống, ngày 15/10/1953, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nam Ninh Bình đã điều động một bộ phận của Đại đoàn 320 kết hợp với bộ đội địa phương chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc càn quét của Pháp. Ngày 3/11/1953, không cam chịu thất bại địch lại tiếp tục hành quân đến khu vực Đình Mống và bị lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa tiểu đoàn của địch với bộ đội chủ lực của Đại đoàn 320 cùng một tiểu đội của du kích do Quách Đình Huống, người dân tộc Mường làm tiểu đội trưởng. Bằng giáo búp đa, xẻng, bang súng, mã tấu trong tay, các chiến sĩ du kích đã liên tiếp đánh gục hàng chục tên lính viễn chinh Pháp. Sau 45 phút chiến đấu, quân và dân ta đã diệt gọn hai đại đội địch và đánh tan một đại đội khác.
Chính vì vậy, ngày 22/12/1994, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã cùng với Ban chỉ huy Đại đoàn 320 Đồng bằng dựng bia tưởng niệm tại Đình Mống nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đình Mống hiện nay cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc người Mường, trong đó có cai Giá và Hiệp Đề là hai vị lang Mường đã cùng Phạm Văn Nghị đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược năm 1889.
Ông Hoàng Xuân Ảnh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang cho biết: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, xã Yên Quang được Đảng, Nhà nước công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích lịch sử Đình Mống đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh do bom đạn bắn phá, được tỉnh tu sửa và nâng cấp thường xuyên. Đến nay, địa phương vẫn tiếp tục duy tu bảo dưỡng nhằm bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa lịch sử, tâm linh rất lớn không chỉ của xã mà còn của cả tỉnh Ninh Bình.
Theo ông Hoàng Công Đĩnh, người trông coi Đình Mống, ở Đình Mống hàng năm đều diễn ra các lễ hội có tính chất truyền thống của vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mường. Thông qua đó, góp phần tích cực vào việc bảo lưu, gìn giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, cũng như giáo dục đạo đức cho các thế hệ hiện tại mai sau ghi nhớ tự hào, cố gắng làm việc tốt xây dựng quê hương”.
Tự hào là một đoàn viên thanh niên đang sinh sống ở xã Yên Quang, anh Đinh Tuấn Anh, Bí thư Đoàn xã Yên Quang cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe về lịch sử hào hùng của di tích Đình Mống. Không chỉ tự hào, chúng tôi còn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với một chứng tích ghi dấu bao công lao của các thế hệ ông cha đi trước. Hàng năm, đoàn thanh niên xã thường xuyên tổ chức các hoạt động như dọn vệ sinh môi trường, tham gia sửa chữa, tu bổ, bảo quản Đình để di tích lịch sử ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến, niềm tự hào của không chỉ người dân trong xã”.
Hiện Đình Mống đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng cho đông đảo du khách. Đến với nơi đây, ngoài các hoạt động tâm linh, du khách còn được tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử oanh liệt và những tấm gương anh hùng đã ngã xuống cho nền hòa bình của đất nước.