Nhà văn người Đức từng nhận giải Nobel Văn học Günter Grass đã qua đời tại thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức, thọ 87 tuổi. Thông tin này đã được đại diện là Nhà xuất bản Steidl xác nhận sáng 13/4. Ông Günter Grass sinh ngày 16/10/1927 ở thành phố cảng Gdańsk bên bờ Baltic thuộc miền Bắc Ba Lan, nơi đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông sau này.
Trước khi chuyển sang viết văn, thơ và kịch, ông từng học hội hoạ, điêu khắc ở Düsseldorf và Berlin. Ông cũng đã có thời gian dài sống ở Paris (Pháp) và Ấn Độ, song nơi định cư cuối cùng là thành phố Lübeck, thuộc bang Schleswig-Holstein.
Những người yên mến văn học ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều biết đến danh tiếng của tác giả “Cái trống thiếc" (Blechtrommel), tác phẩm nổi tiếng đã giúp Grass đoạt giải Nobel Văn học năm 1999, 40 năm sau khi tác phẩm ra đời.
Là một trong số nhà văn xuất sắc nhất ở Đức thời hiện đại, Grass từng tham gia Nhóm văn đàn 47 (thành lập năm 1947) với khuynh hướng đấu tranh dân chủ, khắc phục hậu quả chiến tranh thời phátxít và điều đặc biệt là chính ông từng là lính thời Đức Quốc xã.
Nhà văn Grass từng là thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và sau này khi đã rút khỏi đảng (do phản đối chính sách cứng rắn với người tị nạn), ông vẫn tiếp tục có những can dự chính trị nhất định, đặc biệt là quan điểm phản đối chính sách của Israel với Iran, điều khiến Tel Aviv “cấm cửa“ ông nhập cảnh Nhà nước Do Thái.
Trong sự nghiệp, ông đã giành chiến giải thưởng lớn về văn học trên thế giới với nhiều tác phẩm để đời, trong đó phải kể tới các tiểu thuyết là những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại như Mèo và Chuột (1961), Những năm chó (1963), Bò ngang (2002)... Tác phẩm Bò ngang cũng đã được dịch giả Anh Thư chuyển sang tiếng Việt do NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2004.
Tên tuổi của Grass đã được thế giới thực sự thừa nhận với cuốn tiểu thuyết Cái trống thiếc, tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học năm 1999 và đã được dịch giả Dương Tường dịch ra tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2002.
Tác phẩm được đánh giá làm rúng động văn đàn thế giới và tạo nên một cơn địa chấn cho nền tiểu thuyết của Đức thế kỷ 20, đặc biệt thời điểm giữa và sau thế kỷ vốn gần như bị tê liệt do chế độ Đức Quốc xã.
TTXVN/Tin tức