Sức sống của kịch Lưu Quang Vũ

Điển hình yêu kịch Lưu Quang Vũ là Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Đông Đô Show. Với Nhà hát Tuổi trẻ, năm nào trong kịch mục cũng có một vài vở diễn của Lưu Quang Vũ được dàn dựng lại.

Với Công ty Đông Đô Show, đã mấy năm nay là đơn vị đứng ra tổ chức “Festival kịch Lưu Quang Vũ” hàng năm, vào dịp ngày giỗ của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (cuối tháng 8). Thậm chí, cứ đúng ngày giỗ, cũng là trước những đêm kịch Lưu Quang Vũ sống lại đậm đặc trên sân khấu Thủ đô với 4 - 5 đêm diễn liên tục; thì lãnh đạo, nhân viên của Đông Đô Show lại tổ chức đến thắp hương ở mộ của gia đình nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này…

“Tôi chưa gặp anh Lưu Quang Vũ bao giờ, nhưng tôi cảm phục tình yêu sân khấu của anh Vũ, minh chứng để lại nhân gian bằng những tác phẩm sân khấu tuyệt vời, những tác phẩm ấy vẫn sống đến hôm nay mặc dù đã 27 năm. Tôi cũng mong ước sân khấu trở lại những ngày hoàng kim”, đại diện Đông Đô Show chia sẻ. Vả chăng, đó cũng là cái tình của công chúng dành cho người đã có cái tình với sân khấu qua hàng trăm vở diễn để lại cho đời, chưa vở diễn nào cũ cả.

Bốn vở diễn của Festival năm nay là “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi trẻ) và “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội), lần lượt được trình diễn trong các ngày từ 29/8 đến 1/9/2015; đều là những vở diễn quen thuộc với công chúng, nhưng lần diễn nào cũng tạo nhiều dấu ấn trên sân khấu Thủ đô. Đặc biệt, những vở diễn này lại được các đạo diễn thổi hồn vào với những sáng tạo riêng, góp phần làm mới thêm kịch của cố tác giả họ Lưu.

Một cảnh trong vở diễn “Ai là thủ phạm”.


Trong đó, vở kịch đặc sắc “Lời thề thứ 9” (đạo diễn NSND Xuân Huyền) đã công diễn hơn 300 buổi kể từ khi ra mắt khán giả cả nước, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, NS Vân Dung…

Kịch Lưu Quang Vũ lạ vậy, viết từ xưa, nhưng như nói chuyện của hôm nay. Những vấn đề mà kịch ông đề cập tới, nó như chưa từng cũ, như thể mang một dòng chảy của quá khứ - hiện tại, của “nhân và quả”, của sự dự báo cho xã hội tương lai, mà cụ thể là ngày nay của chúng ta. Với hai vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” (mang lại giải đạo diễn xuất sắc cho NSƯT đạo diễn Chí Trung trong Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ năm 2013) và “Ai là thủ phạm” (được tặng giải Huy chương Bạc trong Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân “ lần thứ 3 năm 2015), những người trẻ hôm nay như được nhìn thấy chính mình, thấy được lại giá trị của “tình người”, biết phải sẻ chia, yêu thương chân thành trong tình bạn, tình yêu, tình thầy trò.

Nếu “Mùa hạ cuối cùng” được xây dựng bằng hình thức thể hiện nhẹ nhàng, sâu lắng, là tác phẩm ca ngợi tình yêu, tình thầy trò và cả niềm trăn trở trước vấn nạn bệnh thành tích của những năm tháng học đường còn mãi tồn tại đến hôm nay, đánh thức trong tâm hồn những người trẻ lòng vị tha, niềm tin vào cuộc sống; thì “Ai là thủ phạm” lại được dàn dựng bằng thủ pháp sân khấu đồng hiện khá hiện đại, xen kẽ giữa những bối cảnh xưa cũ là suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay; đồng thời là câu chuyện xưa mà day dứt tới hôm nay, khi một bộ phận thế hệ trẻ ngày xưa của “quân khu Phượng Hà” đã trở thành những con người trưởng thành của ngày nay, là những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà, thậm chí giữ những trọng trách trong xã hội. 

Dù đã bao nhiêu năm, nhưng sự giáo dục tuổi thơ đã ngấm vào và tạo nên nhân cách của chúng, dẫn tới những hệ quả của ngày hôm nay … Giống như một sự “dội lại” của quá khứ tới tương lai hôm nay. Có lẽ bởi vậy, vở diễn được đánh giá vẫn nguyên tính thời sự, khiến người xem phải bàng hoàng là sao những chuyện “cũ” thế mà bao năm nay chúng ta không giải quyết nổi, để tới hôm nay nó vẫn là chuyện “mới”, là sự xót xa cho xã hội khi vẫn đầy rẫy những tham nhũng, lừa dối, những chuyện “con ông cháu cha”…

Cả hai vở kịch trên của tác giả Lưu Quang Vũ dưới bàn tay đạo diễn của NSƯT Chí Trung, vừa giữ được cái “hồn cốt” đậm chất kịch tâm lý, nhân văn của kịch tác gia tài hoa Lưu Quang Vũ, mà lại có sự hấp dẫn rất mới ở nhiều mảng miếng hài tràn ngập khi khắc họa một số tính cách nhân vật đậm dấu ấn thời bao cấp. Như chia sẻ của một nhà phê bình sân khấu: “Đạo diễn Chí Trung đã đưa hơi thở trẻ vào kịch Lưu Quang Vũ, đó là điều mà kịch của anh sống mãi”. Và như chia sẻ của một khán giả đã cao tuổi: “Xem vở diễn “Ai là thủ phạm” mà thấy như sống lại cuộc sống ngày xưa, khi xếp hàng đi vệ sinh công cộng, khi ngồi hứng nước dưới cái vòi nước chảy như “trẻ con tè” thời ấy, thật sự là rất thú vị”.

Và cuối cùng, dù đã xuất hiện cách nay vài thập kỷ, nhưng mỗi khi vở diễn “Nàng Sita” (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) xuất hiện trở lại trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội, vẫn luôn khiến khán giả phải háo hức mong chờ như những ngày đầu tiên. Và trong những ngày kỷ niệm 27 năm ngày mất của kịch tác gia Lưu Quang Vũ lần này, khán giả lại một lần nữa được đắm say cùng vở diễn đã được coi là “hiện tượng” của sân khấu chèo đương đại. Dù là những khán giả cao niên đã thuộc nằm lòng vở “Nàng Sita”, họ vẫn lặng im nhìn ngắm vẻ đẹp của sân khấu hoành tráng, phục trang rực rỡ, những vũ điệu cuốn hút và đặc biệt là dàn diễn viên tài năng trẻ đẹp, diễn đầy cảm xúc, giọng hát mượt mà, ấm áp. Đặc biệt, việc đưa cả dàn nhạc sống vào vở diễn, đã khiến vở diễn sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.

Như chia sẻ của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, kịch bản của Lưu Quang Vũ luôn có sự gai góc dám nhìn thẳng vào cuộc sống bộn bề, vì thế mà đi vào lòng người xem. Nhưng còn hơn thế, cái gai góc ấy lại chứa đựng tình yêu, lòng mong muốn cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn của tác giả; khao khát để những con người sẽ biết yêu và được yêu… Chính nhờ thế, những vở diễn mới thực sự sống mãi.


Anh Minh
“Lưu Quang Vũ -  người trong cõi nhớ”
“Lưu Quang Vũ - người trong cõi nhớ”

Thấm thoắt lại đến tháng 8. Đến với mùa thu Hà Nội và đến với những đêm diễn Lưu Quang Vũ đã thành điều được chờ đợi của khán giả Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN