Hậu Giang thực hiện số hóa di sản văn hóa bằng nguồn tư liệu lưu trữ, đảm bảo nhanh gọn, chính xác, hiệu quả và thuận tiện, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Một trong những điểm nổi bật trong số hóa di sản văn hóa của tỉnh là giúp du khách khi thực hiện tham quan trên không gian mạng có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu các di sản văn hóa. Từ đó, du khách tham quan, tìm hiểu thông tin chung, tư liệu, hiện vật lịch sử một cách đầy đủ nhất.
Ngày 9/5, tại buổi ra mắt Công trình thanh niên số hóa Khu di tích chiến thắng Vàm Cái Sình, em Thái Cẩm My, học sinh lớp 9A2, Trường Trung học Cơ sở Phan Văn Trị (phường VII, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết, đây là lần thứ hai em tham quan Khu di tích chiến thắng Vàm Cái Sình. Khi thực hiện số hóa các di tích, em có thể dùng điện thoại thông minh, truy cập tìm hiểu thêm về Khu di tích được thuận lợi và đầy đủ hơn.
Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn Vị Thanh Võ Thị Thúy Băng cho biết, Công trình thanh niên số hóa Khu di tích chiến thắng Vàm Cái Sình là công trình thứ hai sau Công trình số hóa thanh niên Khu di tích lịch sử quốc gia Trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Thời gian tới, sau khi hoàn thành số hóa các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Thành đoàn sẽ phối hợp các trường học, giúp học sinh tiếp cận thông tin về các di tích lịch sử văn hóa đã được số hóa trên không gian mạng.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, việc số hóa các di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Thời gian tới, Hậu Giang ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của bảo tàng, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng, góp phần tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
“Tỉnh tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa nhằm mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tham gia phát triển, sáng tạo các dịch vụ mới; xây dựng và tổ chức vận hành, khai thác hiệu quả các sản phẩm dịch vụ công nghệ số phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử đất và người Hậu Giang trên không gian mạng, phát triển du lịch thông minh và giáo dục địa phương của tỉnh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết.
Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cấp quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% cổ vật, hiện vật tiêu biểu và 50% hiện vật tại bảo tàng, di tích lịch sử được tư liệu hóa và ứng dụng trên nền tảng số.
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% di tích lịch sử cấp tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% di sản văn hóa phi vật thể chưa được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 50% hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng và di tích lịch sử được tư liệu hóa và ứng dụng trên nền tảng số.