Trước khi diễn ra cuộc thi, vào chiều 2/12, các nghệ sỹ tham gia Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc sẽ tham gia lễ diễu hành, biểu diễn một số tiết mục đặc sắc để phục vụ nhân dân Thủ đô. Sự kiện góp phần quảng bá nghệ thuật xiếc đến khán giả Thủ đô và du khách quốc tế trong không gian văn hóa nghệ thuật tại tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, quảng bá cho cuộc thi.
Sẽ có 75 người tham gia diễu hành, biểu diễn các tiết mục xiếc như: Trò khéo tung hứng, đi cà kheo, xe đạp một bánh, xe đạp chồng người, lắc vòng nghệ thuật, lăn vòng, trượt patin, nhào lộn, tạo hình, thăng bằng trên quả bun... Ngoài ra còn có đoàn xiếc thú gồm các con vật như ngựa, lạc đà, trâu, mèo, vẹt, dê, chó tham gia đoàn diễu hành từ ngã tư Tràng Tiền và kết thúc tại đường Bà Triệu – Hàng Khay...
Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018 thu hút 67 nghệ sỹ chính thức tham gia (chưa kể các diễn viên phụ) đến từ 6 đơn vị: Liên đoàn Xiếc Việt Nam (9 tiết mục, 31 diễn viên); Nhà hát Phương Nam – TP Hồ Chí Minh (6 tiết mục, 19 diễn viên); Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (4 tiết mục, 10 diễn viên); Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (3 tiết mục, 4 diễn viên); Trung tâm Văn hóa Long An (1 tiết mục, 2 diễn viên); Đoàn Nghệ thuật Tây Hồ - Hải Dương (1 tiết mục, 1 diễn viên).
Cuộc thi dành cho các nghệ sỹ xiếc đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật xiếc công lập, ngoài công lập (là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật xiếc liên tục từ 12 tháng trở lên tính từ thời điểm tham gia cuộc thi); sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật xiếc trên toàn quốc.
Mỗi diễn viên dự thi biểu diễn 1 tiết mục tự chọn phù hợp với sở trường, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật xiếc trong 7-12 phút. Tiết mục tham dự cuộc thi phải hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật, đạt được sự chính xác cao những động tác phức tạp về kỹ thuật, kỹ xảo của thể loại nghệ thuật xiếc.
Tiết mục cũng phải thể hiện kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn mang tính chuyên nghiệp, thẩm mỹ, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Các tiết mục dự thi phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn xiếc với các yếu tố nghệ thuật khác như: xử lý tiết tấu âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ, mỹ thuật, sân khấu, âm thanh, ánh sáng… Ban tổ chức khuyến khích các tiết mục mới dàn dựng mang tính thử nghiệm, có sự sáng tạo độc đáo về nội dung và mới lạ về hình thức.
Trong khuôn khổ cuộc thi còn diễn ra nhiều hoạt động khác, trong đó có tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” vào ngày 8/12. Đây là cơ hội để lãnh đạo các đơn vị xiếc, nhà chuyên môn, nghệ sỹ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng phát triển nghệ thuật xiếc trong xu thế hội nhập của đất nước nói chung và ngành xiếc nói riêng.