Đây là một trong những lễ hội quan trọng, ý nghĩa được thành phố Hải Phòng tổ chức thường niên mỗi dịp đầu Xuân.
Lễ hội khai bút đầu Xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người dân Việt Nam. Việc khai bút đầu Xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, chương trình, kế hoạch với mong muốn một năm mới hạnh phúc và thành công.
Sau màn rước bút long trọng, trang nghiêm từ Văn Miếu Xuân La về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là nghi thức an vị bút, đọc chúc văn khai bút, đánh trống khai hội. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn, việc tổ chức Lễ hội Khai bút đầu Xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn để tri ân Đức Mạc Thái tổ và các Tiên đế Vương triều Mạc đã có công lớn trong phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước như: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thị Duệ… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút du khách trong và ngoài thành phố về với Kiến Thụy, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tham dự Lễ hội Khai bút năm nay có khoảng 500 học sinh đến từ các trường trên địa bàn thành phố. Lần đầu tham gia Lễ hội, em Vũ Thị Ngọc Hà (học sinh lớp 7A, Trường Trung học Cơ sở Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy) chia sẻ, em rất vinh dự khi được đại diện cho các bạn trong khối lớp 7 tham dự Lễ hội năm nay để hiểu thêm về lịch sử và có thêm động lực tiếp tục học tập tốt hơn.
Năm nay, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày chính (từ ngày 15 - 17/2 ; tức ngày mồng 6, 7 và mồng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và kéo dài đến hết ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Ngoài phần lễ, phần hội sẽ có nhiều hoạt động như: Văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm… tạo không khí vui tươi, lành mạnh, được tổ chức đan xen từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng năm Giáp Thìn.