Rộn ràng lễ hội đầu xuân

Tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), từ sáng sớm 8/2 (mùng 6 Tết), khoảng hơn 2 vạn người dân quanh vùng và du khách thập phương đã về chân núi Sóc dự khai mạc Hội Gióng đền Sóc (diễn ra trong 3 ngày 6,7 và 8 tháng Giêng âm lịch).

Lễ "cướp hoa tre" lấy lộc trong ngày khai hội. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN


Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Gióng đền Sóc năm nay càng thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Tới dự khai Hội Gióng đền Sóc có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, bà Catherin Muller - Trưởng đại diện UNESCO thế giới tại Việt Nam. Được tận mắt chứng kiến lễ rước, dâng hương tưởng nhớ Đức Phù Đổng Thiên Vương và tham quan khu di tích tại khu vực núi Sóc, bà Catherin Muller đã đánh giá cao tính cộng đồng của Hội Gióng đền Sóc. Bà bày tỏ mong muốn trong thời gian tới UNESCO sẽ được tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều lễ hội khác của Việt Nam cũng có được tính cộng đồng cao như vậy.

Điều đặc biệt nhất ở lễ hội giàu chất huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre. Đó là những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm màu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách lấy lộc may mắn đầu xuân.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn cho biết: Năm nay là năm đầu tiên lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên ban tổ chức đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền về lễ hội cho người dân biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phóng thanh, băng rôn, biểu ngữ... nhằm khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi và ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống trong nhân dân.

Ninh Bình: Khai hội chùa Bái Đính

Ngày 8/2 (tức ngày mùng 6 Tết Tân Mão), chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã chính thức khai hội với một chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm màn trống hội Hoa Lư và nhiều tiết mục ca múa mừng Đảng, mừng xuân và các nghi thức rước thần từ trong động - ngôi chùa cổ nằm sâu trong hang trên đỉnh ngọn núi cao ra chùa mới.

Để đảm bảo an toàn trong dịp lễ hội, công an tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương, cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông nên đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài như năm trước. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ, mở rộng hệ thống bãi trông, giữ xe, do đó đã hạn chế được tình trạng lộn xộn khi lượng người, phương tiện tăng đột biến.

Bắc Giang: Lễ hội kỷ niệm 584 năm Chiến thắng Xương Giang

Sáng 8/2 (tức mùng 6 Tết Tân Mão 2011), tại Khu di tích chiến thắng Xương Giang (xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang) đã khai mạc Lễ hội kỷ niệm 584 năm Chiến thắng Xương Giang. Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Chiến thắng Xương Giang lịch sử năm 1427 do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, đánh tan 10 vạn viện binh của quân Minh, góp phần quan trọng lật đổ ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, khôi phục nền độc lập cho đất nước ta.

Sau phần rước kiệu từ đình làng Thành ra khu vực tượng đài kỷ niệm - nơi tổ chức chính của lễ hội, các cụ già, các tầng lớp thanh thiếu niên, đoàn thể và nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã tham gia lễ dâng hương trang trọng tại khu vực tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang.

Lễ hội Chiến thắng Xương Giang diễn ra trong hai ngày 8 - 9/2/2011 (ngày mồng 6, mồng 7 Tết Tân Mão). Sau phần lễ, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như đánh đu, nhảy bao bố, kéo co, chạy kẹp bóng, nhảy dây, thi đấu cờ tướng, vật dân tộc, thi đấu vòng chung kết giải bóng đá thanh thiếu niên, các chương trình biểu diễn văn nghệ...

Hải Dương: Khai hội chùa Bạch Hào và tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Sáng 8/2, tức mồng 6 tháng Giêng âm lịch, chùa Bạch Hào (xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã chính thức khai hội và tổ chức lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị thành hoàng. Sau lễ khai hội đã diễn ra các nghi lễ rước sắc, rước mâm quả, rước “long đình” của các dòng họ trong xã từ nhà tổ qua sân chùa đến Nghè.

Các mâm quả, được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt như “Quần long tụ hội”, “Hạc ngậm phong thư”... Ngoài 5 cỗ của 5 thôn, còn rước bài vị của các thành hoàng, cũng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng và dạy dân Thanh Xá nghề tằm tơ. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa.

Lễ hội chùa Bạch Hào thu hút đông du khách về trẩy hội, ngoài ý nghĩa tâm linh còn bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian trong phần hội. Đó là các phần thi bơi chải, nấu cơm và bắt vịt trên sông.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN