Rộn ràng các lễ hội Xuân trên cả nước 

Ngày 4/2 (tức mùng 7 Tết Ất Tỵ), Lễ hội Khai hạ - Cầu an (TP Hồ Chí Minh) và Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) chính thức được khai hội. Đây đều là các lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chú thích ảnh
Ban Quý tế Lễ hội Khai hạ - Cầu an thực hiện nghi thức khai hạ. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Đặc sắc Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại TP Hồ Chí Minh

Sáng 4/2, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an năm 2025. 

Theo Ban Tổ chức, Lễ hội diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Lễ hội được tổ chức theo bốn phần, gồm: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Lễ được bắt đầu bằng nghi thức hạ cây nêu. Theo phong tục truyền thống, cây nêu dựng lên để trừ tà, không cho ma quỷ đến nhà, gia đình ăn Tết được bình yên. Sau nghi thức hạ nêu, Ban Quý tế tiếp tục thực hiện nghi thức khai hạ rước lễ vào điện thờ và thực hiện dâng hương, dâng rượu, đọc văn khấn nguyện cho các bậc tiền nhân, cầu an quốc gia thịnh trị; tiếp theo là nghi thức khai bút đầu Xuân.

Theo tục lệ, khai bút là bước vào một năm mới. Khi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên, người viết chọn những điều hay và tốt đẹp nhằm cầu mong cho một năm được tốt lành. Sau nghi thức khai bút là khai ấn. Chiếc ấn của Tả quân với bốn chữ “Tả quân chi ấn” được khắc theo kiểu chữ triện. Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn các bức thư pháp với chữ Phúc, Thọ, Đức… để người khai ấn đóng lên. Những bức thư pháp này sau khi đóng ấn sẽ được gửi tặng các cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, cho Thành phố và việc bảo tồn Lăng Tả quân.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội sống động, tinh tế, sâu sắc. Điều này được lý giải là bởi tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức, đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Nhiều năm qua, Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.

Chú thích ảnh
Ban Quý tế Lễ hội Khai hạ - Cầu an thực hiện nghi thức rước lễ vào điện thờ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Chị Vũ Thị Hà (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, theo thói quen hằng năm của gia đình, chị đến Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt để cầu bình an, sức khỏe, đồng thời xin ấn Tả quân về treo trong nhà với kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định. Khi còn giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý, điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm.

 Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - nơi cội nguồn dân tộc Việt

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) Nguyễn Ngọc Anh đọc báo cáo tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Cùng ngày, Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống chính thức diễn ra tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa cùng đông đảo nhân dân đã thành kính dâng hương hoa, lễ vật để tưởng niệm, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.

Theo truyền thuyết, vào mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau đó gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân, sinh ra bọc trăm trứng và nở thành một trăm người con trai, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng. Tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, phong cảnh hữu tình, mẹ Âu Cơ đã ở lại dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cho đến khi cùng tiên nữ bay về trời vào ngày 25 tháng Chạp, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Chính tại nơi đó, nhân dân đã dựng ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói và được các triều đại phong kiến phong sắc, cho tu bổ trở thành đền thờ Tổ Mẫu.

Chú thích ảnh
Các nữ quan dâng hương, hoa tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Theo tục lệ, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong 2 ngày liên tiếp, trong đó ngày mùng 7 là ngày lễ chính.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương và các đại biểu đã nô nức về đền Mẫu Âu Cơ để tham dự ngày hội. Mở đầu là phần lễ tế Thành Hoàng làng và phần rước kiệu, đem theo lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ. Đoàn rước diễn ra tưng bừng, trong âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng ngày hội.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật lên Tổ Mẫu Âu Cơ. Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa Nguyễn Ngọc Anh đọc diễn văn tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các lãnh đạo huyện Hạ Hòa sau đó đã nổi chiêng, trống khai lễ.

Sau lễ dâng hương và lễ vật là phần Tế nữ quan (phần chính của lễ). Đội tế nữ là các cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn. Các cô đều mặc áo dài màu sắc rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng lụa, trong đó chủ tế mặc trang phục màu đỏ. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các nữ quan đã thực hiện lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo đúng các nghi thức truyền thống.

Lễ hội có giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng, là điểm nhấn quan trọng trong dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh và là môi trường giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Chú thích ảnh
Các nữ quan thực hiện lễ tế theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một điểm nhấn quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên. Qua đó, tạo lập mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng - cội nguồn của sức mạnh tập thể trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Với giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt, tháng 1/2017, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ”, đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sau nghi thức Tế lễ, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ chính thức được khai hội. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm, mở màn cho các lễ hội tại Đất Tổ.

Thu Hương - Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong Lễ hội Xuân
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong Lễ hội Xuân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 09/CĐ-TTg về bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN