Rộn ràng các hoạt động văn hóa vùng cao Tây Bắc

Những lễ hội đã và đang diễn ra tại khu vực vùng cao Tây Bắc thật sự đang làm nôn nao trái tim của những người dân nơi đây cũng như du khách yêu trải nghiệm.

Những lễ hội đã và đang diễn ra tại khu vực vùng cao Tây Bắc thật sự đang làm nôn nao trái tim của những người dân nơi đây cũng như du khách yêu trải nghiệm.

Tôn vinh đàn Tính, hát Then

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V và Lễ hội Thành Tuyên năm 2015, sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26/9, tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Liên hoan được tổ chức với quy mô lớn; có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật hát Then, đàn Tính đến từ các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang thu hút du khách đến với Mù Cang Chải trong Tuần lễ văn hóa vùng cao Tây Bắc.Ảnh: Lê Sơn


Liên hoan và lễ hội lần này diễn ra với 7 hoạt động chính: Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V và Lễ hội Thành Tuyên năm 2015; Biểu diễn, giới thiệu các thể loại di sản hát, múa Then, đàn Tính; Triển lãm chủ đề “Di sản văn hóa Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; Đêm hội Thành Tuyên năm 2015; Hội chợ nông nghiệp và thương mại vùng Tây Bắc năm 2015; Bế mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V.

Trải qua 4 lần tổ chức tại các tỉnh Thái Nguyên (năm 2005), Cao Bằng (năm 2007), Bắc Kạn (năm 2009), Lạng Sơn (năm 2012) và năm nay tại Tuyên Quang; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trên đất nước Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc và bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc; đồng thời tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ của các địa phương gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Với Lễ hội Thành Tuyên, ban đầu lễ hội này là hoạt động đón Trung thu của người dân thành phố Tuyên Quang được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004. Mô hình đèn Trung thu khổng lồ do nhân dân tổ 12, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang làm để mang lại niềm vui cho trẻ em trong khu dân cư đã đặt nền móng cho hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc không chỉ dành cho thiếu nhi vào dịp Trung thu mà còn trở thành thương hiệu riêng của Tuyên Quang, được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam. Sau 10 năm tổ chức, năm nay lần đầu tiên lễ hội này diễn ra ở quy mô cấp tỉnh với hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ sẽ được rước qua các tuyến phố, thu hút hàng vạn lượt du khách về tham dự. Lễ hội là dịp để giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang.

Quảng bá nét văn hóa, truyền thống sản xuất

Ngày 15/9, UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tổ chức hội chọi dê lần thứ nhất. Đây là một trong những hoạt động trong Tuần văn hóa danh thắng ruộng bậc thang quốc gia Mù Cang Chải năm 2015, nhằm quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đến với du khách.

Tham gia hội chọi dê năm nay, có 20 chủ dê với 27 dê chọi đến từ 13 xã, thị trấn trong huyện. Dê chọi được chia ra làm 3 hạng cân gồm hạng dưới 30 kg, dưới 40 kg và trên 40 kg. Tuy là lần đầu tiên tổ chức, xong những trận đấu ngay từ vòng loại đã diễn ra hấp dẫn và kịch tính. Với bản năng hoang dã được thuần hóa, những chú dê đã ra đòn về đối phương bằng những cú lao đầu, đối đầu trực diện, khóa sừng, móc mắt. Thời gian thi đấu mỗi trận đấu là 15 phút.

Hội chọi dê được coi là tâm điểm của lễ hội khi được tổ chức tại vùng hạ lưu của con suối Nậm Mơ ngay trung tâm huyện, rất thuận lợi cho du khách vừa xem hội chọi dê vừa tranh thủ thử sức mình để chinh phục 3 dòng thác của con suối. Qua hội chọi dê, ngoài mục đích quảng bá những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống sản xuất, chăn nuôi của người dân vùng cao, huyện Mù Cang Chải cũng khuyến khích nhân dân khai thác tiềm năng tự nhiên, phát triển nuôi dê, nuôi đại gia súc tạo ra hàng hóa để nâng cao thu nhập.

Hội chọi dê huyện Mù Cang Chải diễn ra đến hết ngày 16/9.

TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN